TP. VŨNG TÀU QUYẾT LIỆT XỬ LÝ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÁI PHÉP

Kỳ 3: Cần gỡ khó cho người dân trong xây dựng nhà ở

Thứ Năm, 09/12/2021, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, TP. Vũng Tàu đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý xây dựng như kiểm điểm, điều động, thay thế hoặc kỷ luật, buộc thôi việc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp sai phạm.

Lực lượng chức năng di chuyển đồ của một gia đình xây dựng trái phép ra khỏi nhà để thực hiện cưỡng chế.
Lực lượng chức năng di chuyển đồ của một gia đình xây dựng trái phép ra khỏi nhà để thực hiện cưỡng chế.

Tuy nhiên, để kéo giảm vi phạm xây dựng một cách bền vững, thành phố cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, chính sách theo hướng tạo điều kiện cho người dân được xây dựng hợp pháp, kể cả người dân trong vùng quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai, quy hoạch treo; cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây thêm nhà ở cho người thu nhập thấp; công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch phải đồng bộ... 

Người dân mong muốn gì?

Ông Phùng Xuân Hằng (hẻm 925, đường 30/4, phường 11) phân tích, địa bàn phường 10, 11, 12 phần lớn là diện tích đất nông nghiệp. Hơn nữa, đa phần diện tích đất này đều nằm trong quy hoạch. Do vậy, đối với khu vực quy hoạch quá 5 năm nhưng chưa triển khai, chính quyền cần xem xét cho phép người dân xây nhà tạm để ở. Trước khi xây nhà, người dân phải cam kết nếu sau này Nhà nước thu hồi đất thì phải tự nguyện tháo dỡ công trình, không được bồi thường, khiếu kiện.

“TP. Vũng Tàu có lượng người nhập cư lớn, trong đó nhiều gia đình có kinh tế khó khăn, không đủ tiền mua đất ở. Vì vậy, họ “liều” mua đất nông nghiệp rồi xây nhà. Việc làm này không được phép nên chính quyền địa phương phải xử lý. Tuy nhiên, nhằm giảm tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cơ quan chức năng cần xem xét, bố trí vốn và quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp”, ông Hằng đề xuất. 

Trong khi đó, ông Đặng Đức Hoành (hẻm 925, đường 30/4, phường 11) chỉ ra rằng một số khu vực diện tích đất nông nghiệp vướng quy hoạch lọt thỏm trong khu dân cư, không phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng nhà, gây thất thu thuế và bức xúc trong nhân dân. Ông Hoành đề nghị chính quyền cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được xây dựng và đóng thuế theo quy định. Như vậy, người dân sẽ không còn phải “đi đêm” hay “chạy chọt” để xây dựng công trình trái phép như lâu nay.

Ông Nguyễn Xuân Trường (đường Chi Lăng, phường 12) cho rằng, trường hợp đồng sở hữu, nhưng trên đất có nhà cũ thì chính quyền địa phương nên xem xét cho chuyển đổi mục đích để sửa chữa, xây dựng. “Nhiều gia đình 3 thế hệ sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp, xuống cấp đã lâu nhưng vẫn không được xây dựng thêm căn khác vì diện tích đất đang ở là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét cấp phép xây dựng tạm hoặc cho họ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng hợp pháp”, ông Trường kiến nghị.

Tạo điều kiện để người dân tạo lập nhà ở

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Công ty Luật Nguyễn Cảnh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, xây dựng trái phép là trường hợp xây dựng nhà ở, công trình mà không có giấy phép xây dựng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, trừ một số trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Việc xây nhà ở trên đất nông nghiệp mà chưa chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật. Điều 9, 10, 11 và Điều 12, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định, khi sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng đất thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh nhìn nhận, để đáp ứng nhu cầu bức bách về nhà ở, nhiều người làm liều xây nhà không phép. Trong khi đó, lượng người nhập cư đến Vũng Tàu nhiều làm tăng dân số cơ học, dẫn đến áp lực lớn về nhà ở. Bên cạnh đó, nhiều người dân có đất nằm trong quy hoạch, dự án “treo” nên không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng. Điều này làm phát sinh tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng. Ngoài ra, một số người dân nhận bồi thường khi bị thu hồi đất nông nghiệp với số tiền thấp, không đủ mua đất ở để xây nhà. Nhiều người tìm mua nhà đất không phù hợp quy hoạch, không có giấy tờ hợp pháp để xây dựng, dẫn đến vi phạm. 

"Theo tôi, Nhà nước cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây mới và tạo lập nhà ở của người dân trong khu vực quy hoạch. Chẳng hạn như điều chỉnh, hủy bỏ khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các dự án kéo dài quá lâu mà không thực hiện. Đối với những quy hoạch không thể điều chỉnh, hủy bỏ mà chưa có quyết định thu hồi đất thì chính quyền địa phương nên cho phép người dân có đất nông nghiệp trong khu quy hoạch được chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng tạm"', luật sư Nguyễn Văn Cảnh nói.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

Trường hợp xây nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích có thể bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 7, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 170, Luật đất đai 2013, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới thửa đất, quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

 

 

;
.