Cẩn trọng cháy, nổ kho tạm giữ phương tiện

Thứ Năm, 21/03/2024, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Gần đây, một số địa phương trên cả nước xảy ra cháy kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông, gây thiệt hại lớn về tài sản. Để chủ động phòng ngừa cháy nổ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã và đang tăng cường PCCC tại các kho, bãi tạm giữ phương tiện.

Cán bộ Phòng PC08 kiểm tra bình chữa cháy cùng các thiết bị PCCC tại kho tạm giữ phương tiện.
Cán bộ Phòng PC08 kiểm tra bình chữa cháy cùng các thiết bị PCCC tại kho tạm giữ phương tiện.

Làm mát giảm nhiệt 

Sáng 20/3, ghi nhận tại kho tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính Phòng CSGT (PC08-Công an tỉnh), có hàng trăm xe máy san sát nhau. Xe cũ hoặc vô chủ được xếp riêng bên ngoài để nhường chỗ cho các xe mới bị tạm giữ.

Một cán bộ CSGT Phòng PC08 cho biết, kho tạm giữ phương tiện của phòng và các địa phương đều trong tình trạng quá tải. Nguyên nhân do nhiều trường hợp vi phạm bỏ xe vì giá trị thấp hơn tiền đóng phạt. 

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, để phòng cháy nổ tại kho tạm giữ phương tiện, đơn vị đã lắp đặt hệ thống phun nước, làm mát kho bãi. Đồng thời, các bình chữa cháy được trang bị đầy đủ, sẵn sàng xử lý khi có sự cố cháy, nổ. Cán bộ quản lý thường xuyên kiểm tra kho, bãi để kịp thời phát hiện, khắc phục nguy cơ cháy, nổ.  

TP.Bà Rịa hiện chưa có kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông nên cuối năm 2023, Công an TP.Bà Rịa đã thuê bãi giữ xe Văn Hiền (đường Phạm Hùng) làm nơi tạm giữ khoảng 600 phương tiện.

Trưa 20/3, đến bãi giữ xe Văn Hiền để lấy xe BKS 72E1-482... sau 7 ngày bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn, anh N.H.H. (SN 1983, ngụ TX.Phú Mỹ) cho biết: "Chiếc xe là phương tiện đi lại hằng ngày, nếu phơi nắng lâu sẽ rất nhanh hư hỏng. Mấy ngày qua, đọc báo thấy cháy bãi tạm giữ phương tiện ở các tỉnh khác nên tôi cũng thấy lo, tranh thủ đi đóng phạt để lấy xe về".

Tối 9/3, kho tạm giữ xe máy vi phạm hành chính của Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bốc cháy dữ dội. Bước đầu xác định có hơn 200 xe máy là tang vật bị cháy hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Đến trưa ngày 19/3, bãi tạm giữ xe Công an huyện Khánh Vĩnh (TT.Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân và thiệt hại đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Ông Văn Hiền (chủ bãi giữ xe Văn Hiền) cho biết, bãi xe rộng hơn 800m2. Với thời tiết năng nóng hiện nay, để bảo đảm an toàn PCCC, bãi xe đã lắp đặt thêm hệ thống phun sương nhằm giảm nhiệt.

"Phương tiện bị tạm giữ tại đây được sắp xếp gọn gàng, tránh để hư hỏng tài sản của người dân. Trước khi đưa xe vào bãi, nhân viên đã rút xăng để phòng ngừa cháy, nổ. Các xe có giá trị cao được ưu tiên sắp xếp vào vị trí thông thoáng, tránh trầy xước. Khi chủ phương tiện đến nhận xe, nhân viên sẽ đổ xăng để họ ra về", ông Hiền nói.

Trung tá Trần Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm (Phòng PC08) cho hay, thời tiết nắng nóng như hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Bằng chứng là những vụ cháy kho bãi tạm giữ đã xảy ra ở một số tỉnh trong thời gian qua. "Hằng ngày, chúng tôi đều phun nước làm mát tại khu vực tạm giữ phương tiện. Đồng thời, quán triệt cán bộ, quản lý kho bãi luôn cẩn trọng trong công tác bảo quản, tuyệt đối không sử dụng nguồn nhiệt gần kho bãi", Trung tá Trần Thanh Tùng nhấn mạnh.

Phương tiện tạm giữ hư hại được bồi thường ra sao?

Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn), khoản 3, Điều 9 Nghị định số 138/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định: Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép bị tạm giữ. Trong trường hợp phương tiện bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc gây hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, các xe tạm giữ bị cháy dẫn đến hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định. Đồng thời, người trực tiếp quản lý phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ.

Chủ tang vật muốn được bồi thường cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan như: biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký xe (nếu có), bảo hiểm xe (nếu có); giấy tờ tùy thân (CCCD hoặc hộ chiếu); báo cáo hỏa hoạn đối với bảo hiểm hoặc của cơ quan công an nơi xảy ra vụ cháy.

Trường hợp yêu cầu bồi thường không được thỏa mãn, chủ phương tiện có quyền khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

;
.