"Bùng nổ" trừng phạt, nước Mỹ đối mặt rủi ro chiến lược gì?

Thứ Hai, 13/05/2019, 16:03 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê thì nước Mỹ đang áp đặt 7.967 lệnh trừng phạt. Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy các lệnh trừng phạt áp đặt lên nhiều cá nhân, như trùm ma túy Mexico Joaqui “El Chapo” Guzman; lên các DN như Cubacancun Cigars, Gift Shops và lên cả các lực lượng quốc gia hoặc chính phủ một nước như Chính phủ Iran và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của nước này...

Người Iran theo dõi báo chí thông tin về lệnh trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: AFP
Người Iran theo dõi báo chí thông tin về lệnh trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: AFP

Theo tờ The Atlantic, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tiếp cận công cụ trừng phạt kể từ khi đất nước được thành lập, mà ví dụ thời hiện đại nổi bật nhất là lệnh bao vây cấm vận Cuba năm 1962. Các lệnh trừng phạt mạnh hơn đàm phán nhưng lại nhẹ nhàng hơn hành động quân sự. Chúng được sử dụng khi bạn muốn gây ảnh hưởng đến người khác, không phải bằng cách đánh bại họ mà bằng cách đe dọa dòng tiền của họ.

Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đã bùng nổ trong thế kỷ 21, đặc biệt là khi Mỹ rất giỏi trong việc điều chỉnh các hình phạt tài chính để gây ảnh hưởng đến các cá nhân thay vì toàn bộ quốc gia. Nhưng trong khi Washington chắc chắn sẽ gây khó khăn cho kẻ thù của mình trong việc tạo ra tiền, di chuyển hoặc tiếp cận dòng tiền, một số chuyên gia lo ngại rằng việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt sẽ đưa đến rủi ro lâu dài cho cả vai trò thống trị tài chính của Mỹ trên thế giới và vị thế hàng đầu của quốc gia này trong ngoại giao quốc tế.

Sức mạnh các biện pháp trừng phạt Mỹ, xét cho cùng, xuất phát từ tính trung tâm của hệ thống tài chính Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và vị thế USD là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới. “Ngay cả khi một công ty về cơ bản không có giao dịch tại Mỹ, thì ngân hàng của họ cũng có thể liên quan”, Jarrett Blanc, thành viên cao cấp của Chương trình Chiến lược và Địa Kinh tế tại Quỹ Carnegie Vì Hòa bình Quốc tế, cho biết. “Vì vậy, về cơ bản, những DN đó có thể không thể giao dịch ngân hàng nếu họ đang làm ăn với một quốc gia là mục tiêu trừng phạt của Mỹ”.

Theo ông Blanc, một rủi ro là nhiều ngân hàng trên thế giới đã điều hành hệ thống tài chính của họ thông qua New York, nhưng cũng có thể một số lượng đủ lớn trong số này quyết định không phụ thuộc vào Mỹ nữa, mà tìm cách điều hành hệ thống ở những nơi khác. “Khi đó, thật bất ngờ, sức mạnh các lệnh trừng phạt của chúng tôi sẽ bị giảm đáng kể”, ông Blanc nói.

Trong khi đó, việc Mỹ sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đã gây khó chịu cho một số đồng minh của họ ở châu Âu, vốn là những nước đã tham gia vào một số nỗ lực trừng phạt của Mỹ nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt mà họ coi là đe dọa lợi ích kinh tế của chính quốc gia mình như những hạn chế nhất định trong kinh doanh với Nga và Iran. Việc lạm dụng trừng phạt đã làm nổi bật nguy cơ các công cụ này vượt ra ngoài tác động kinh tế của chúng và làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác lâu dài.

Không phải tất cả các biện pháp trừng phạt được đưa ra như nhau. Một lệnh trừng phạt đối với một người, hoặc với một loại máy bay, sẽ không có tác động kinh tế tương tự như các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của một quốc gia. Một lệnh trừng phạt được thiết kế đặc biệt có thể gây ảnh hưởng lớn và thu hút sự chú ý của thế giới, trong khi có hàng trăm lệnh trừng phạt khác chẳng được ai biết đến và chúng cũng không gây ra hậu quả kinh tế đáng kể nào.

Quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ là, ngay cả khi số lượng các biện pháp trừng phạt đã tăng lên, thành công của chúng được đo lường không phải bằng khối lượng mà bằng tác động trong việc đạt được các mục tiêu chính sách cụ thể.

Về điểm đó, các lệnh trừng phạt Mỹ cũng đã đạt được một số thành công. Chúng có thể đã giúp thúc đẩy Triều Tiên đàm phán với Chính quyền Tổng thống Trump về chương trình hạt nhân, mặc dù cho đến nay 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào. Các lệnh trừng phạt cũng giúp đưa Iran đến bàn đàm phán về chương trình hạt nhân dưới thời Chính quyền Obama và hiện tại Chính quyền Tổng thống Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt là một phần trong nỗ lực gây áp lực nhằm đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Theo Atlantic, trong ngắn hạn Chính quyền Mỹ hiện vẫn đang hài lòng với kết quả của các lệnh trừng phạt Iran cho đến nay, bất chấp mục tiêu chính sách dài hạn là gì và rủi ro nào khi theo đuổi các lệnh trừng phạt quá mạnh mẽ.

THU HẰNG

;
.