Matis - tộc người không chấp nhận "ăn Tết"

Thứ Bảy, 18/01/2020, 07:54 [GMT+7]
In bài này
.

Cư trú trong những khu rừng mưa nhiệt đới ở thung lũng Javari, Brasil cùng 20 bộ lạc khác, tộc người Matis mới chỉ được thế giới biết đến vào cuối thập niên 1980. Mặc dù đã có rất nhiều những nỗ lực nhằm đưa họ hội nhập cuộc sống văn minh, nhưng đến thời điểm hiện tại, người Matis vẫn như thuở sơ khai và dĩ nhiên họ không chấp nhận cái gọi là “ngày Tết”.

Những thợ săn thuộc tộc người Matis.
Những thợ săn thuộc tộc người Matis.

Tháng 6/1989, Tiến sĩ Hoan Joaquin, chuyên gia nghiên cứu về rừng mưa nhiệt đới khi bay ngang thung lũng Javari đã tình cờ nhìn thấy 3 sinh vật trần truồng, hình dạng giống như con người đang lao nhanh vào một bụi cây khi nghe thấy tiếng nổ của động cơ trực thăng. Ra hiệu cho phi công hạ thấp độ cao để chụp ảnh nhưng cả 3 sinh vật ấy đã biến mất.

Vài ngày sau khi đáp xuống sân bay Alalaia Do Norte, Tiến sĩ Hoan Joaquin liên lạc với nhà nhân chủng học Gonzaler. Theo ông Gonzaler, thung lũng Javari có diện tích gần 86.000km2. Thời còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha cho rằng đây là nơi cư trú của các bộ lạc Matis, Matses, Kulina, Mayoruna…, nhưng chưa hề có ai tiếp xúc với họ. Trong một bài tiểu luận, Tiến sĩ Hoan Joaquin đã nêu ra những nghi vấn về sự tồn tại của các tộc người chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, bài tiểu luận nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Năm 2002, nhà thám hiểm Sydney Posseulo cùng một nhóm cộng sự vào thung lũng Javari để thực hiện bộ phim phóng sự về “tộc người mũi tên” cho kênh truyền hình Địa lý Quốc gia (National Geographic) nhưng không thu được kết quả. Mãi đến năm 2009, khi một chiếc máy bay Cessna C-98 gặp nạn, rơi xuống con sông Itui - là phụ lưu của sông Javeri - thì thế giới mới có cái nhìn cụ thể về các bộ lạc ở vùng này.

Ngày 29/10/2009, chiếc Cessna C-98 cùng 4 thành viên phi hành đoàn và 7 cán bộ y tế trong một chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa bệnh đậu mùa tại các làng mạc hẻo lánh ở bang Acre, Brasil, đã bị hỏng động cơ khi đang ở độ cao 1.500m. Vài phút sau đó, nó lao xuống sông Itui. Một trong những người sống sót là bác sĩ Banderas cho biết: “Máy bay cắm phần mũi xuống đáy bùn, 4 người chết. Tôi và những người còn sống phải đập vỡ cửa kính để chui ra. Ngay lúc ấy, tôi thấy một nhóm thổ dân, tất cả đều không mặc quần áo, tay cầm cung tên. Một số người xỏ những chiếc răng nanh động vật xuyên ngang lỗ mũi. Nhìn họ không có thái độ gì là thù hận mà ngược lại, họ lội xuống sông, giúp chúng tôi lên bờ nhưng khi trực thăng cứu hộ đến, họ biến mất”.

Thông tin về sự tồn tại của “những thổ dân trần truồng, răng nanh động vật xuyên ngang lỗ mũi” đã khiến Chính phủ Brasil phải hành động. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh và các chuyến bay thám sát tiến hành vào tháng 4/2010 đã ghi nhận “có 4 túp lều lợp bằng rơm, bên cạnh có 2 cây chuối, bao quanh là rừng rậm nhưng không thấy người”. Nhằm giúp thổ dân tiếp cận với xã hội hiện đại cũng như chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ về sau, trực thăng thả xuống 4 túp lều một số nông cụ như dao, cuốc, xẻng cùng mấy cái bật lửa kèm theo vài tờ giấy, vẽ hình minh họa cách sử dụng. Tuy nhiên, những nông cụ ấy không bao giờ được thổ dân đụng đến.

Cuối năm 2010, một nhóm 4 nhà truyền giáo lên đường vào vùng này. Thoạt đầu họ phải đối mặt với sự nghi kị của người Matis. Để chứng tỏ rằng mình không có ý định gây hấn, 4 nhà truyền giáo tặng thổ dân dây câu, lưỡi câu, dao, rựa, búa… Bên cạnh đó, họ thực hiện chính sách “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với thổ dân. Nhà truyền giáo Francisni cho biết: “Tộc người Matis chỉ có khoảng 200 nhân khẩu, sống bằng săn bắn hái lượm. Hầu hết đều không mặc quần áo, chỉ che phần dưới cơ thể bằng một chiếc khố nhỏ làm bằng sợi tước ra từ vỏ cây. Họ bắn cung, phóng lao rất giỏi, biết nấu chín thức ăn. Mỗi khi đau ốm, họ tự chữa bằng các loại rễ, lá, củ, mọc trong rừng”.

Sau hơn 1 năm, 4 nhà truyền giáo đã nói thạo ngôn ngữ Matis. Bằng nhiều cách, họ cố gắng đưa người Matis xích lại gần những tiện ích văn minh, nhưng xem ra người Matis không màng đến chuyện này. Nếu cần nhóm lửa, họ lấy 2 thanh gỗ khô cọ vào nhau chứ không xài hộp quẹt dù nó có sẵn. Những đôi giày mà các nhà truyền giáo đem cho họ để bảo vệ đôi chân của họ trong những chuyến đi săn trong rừng bị vứt vào một xó. Ngay cả những chiếc áo thun màu mè sặc sỡ cũng bị xé ra thành từng dải nhỏ để trang trí trước cửa lều.   

Thêm 2 năm nữa trôi qua, trong tổng số 200 nhân khẩu, chỉ 18 người theo đạo Cơ Đốc. Họ siêng năng đi lễ ngày Chủ nhật và các ngày lễ lớn như lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh nhưng họ lại không chấp nhận “ngày Tết” (New Year Day). Lập luận của họ và của cả cộng đồng Matis là: “Ngày nào mặt trời cũng mọc, tháng nào mặt trăng cũng tròn. Ngày năm mới cũng thế, có gì khác đâu mà phải tổ chức ăn mừng”. 

Về phía Chính phủ Brasil, để bảo tồn tập tục của thổ dân, chính phủ xác định nơi cư trú của họ và có kế hoạch bảo vệ họ từ xa, đồng thời khuyến cáo các tổ chức thiện nguyện, các tour du lịch, những nhà thám hiểm nên tránh tiếp xúc với các bộ lạc ở thung lũng Javeri bởi lẽ kinh nghiệm từ nhiều quốc gia lân cận như Peru, Bolivia, Honduras cho thấy rượu, ma túy, cờ bạc cùng các tệ nạn khác phần lớn khởi đi từ con đường này…

VŨ CAO (Theo Traveller Magazine)

;
.