Pháp sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại

Thứ Hai, 06/01/2020, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố nước này muốn tránh cuộc thương chiến với Mỹ, song sẵn sàng cùng với các nước châu Âu khác chống trả nếu Washington áp đặt trừng phạt.

Rượu vang Pháp được bày bán tại một siêu thị ở Los Angeles, bang California, Mỹ.
Rượu vang Pháp được bày bán tại một siêu thị ở Los Angeles, bang California, Mỹ.

Hồi đầu tháng 12/2019, Mỹ thông báo dự định áp thuế lên tới 100% đối với 2,4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Pháp, trong đó có rượu vang, mỹ phẩm và đồ da, vì cho rằng Paris đang theo đuổi chính sách phân biệt đối xử với các công ty kỹ thuật số của Mỹ khi đơn phương thông báo đánh thuế thu nhập 3% đối với các “đại gia’’ công nghệ Mỹ hồi tháng 7/2019.

Trong bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Le Maire đã chính thức phản bác cáo buộc của Mỹ về sự phân biệt đối xử thuế quan. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán về thuế quốc tế đang diễn ra trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ dẫn đến “kết quả khả quan’’. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tránh thương chiến, nhưng sẵn sàng phản kháng cùng với các đối tác châu Âu nếu chúng tôi phải hứng chịu đòn trừng phạt mà không đúng chỗ, không thân thiện và bất hợp pháp”.

Trước đó, Bộ trưởng Le Maire lưu ý rằng Pháp thấy việc đánh thuế các công ty kỹ thuật số quy mô nhà nước là cần thiết vì các công ty này thu lợi nhuận đáng kể trong khi gần như không phải trả đồng thuế nào chỉ vì không đặt trụ sở trên lãnh thổ Pháp.

Các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ được thiết kế nhằm đánh vào các ngành nhạy cảm về chính trị và mang tính biểu tượng nhất của Pháp, sẽ thêm vào những thiệt hại mà “đất nước hình lục lăng’’ đã phải hứng chịu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với 7,5 tỷ USD các loại hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 10/2019 trong cuộc tranh cãi về trợ cấp cho hãng máy bay Airbus.

Mỹ kêu gọi các nước khác không nên noi gương của Pháp áp dụng thuế công nghệ, thay vào đó nên chờ một giải pháp đa phương thông qua đàm phán. Tuy nhiên, tháng 12/2019, Canada đã trở thành quốc gia mới nhất cho biết đang cân nhắc một biện pháp tương tự.

BÍCH LIÊN (TTXVN) 

 
;
.