Liên hợp quốc hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương

Thứ Ba, 31/03/2020, 22:47 [GMT+7]
In bài này
.

* EU thông qua biện pháp giải ngân, nới lỏng quy định đối với hàng không nội khối 

Ngày 31/3, Liên hợp quốc cho biết, các cơ quan của tổ chức này đang phối hợp với nhau để cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương giúp họ chiến đấu chống lại sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn khu vực.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch để xét nghiệm COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch để xét nghiệm COVID-19.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cung cấp các thiết bị quan trọng cho chính phủ các quốc đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm hơn 170.000 mặt hàng y tế thiết yếu và các thiết bị cho phòng xét nghiệm.

Đại diện của UNICEF tại Thái Bình Dương, Sheldon Yett cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các chính phủ và các đối tác trên khắp Thái Bình Dương để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 và giữ an toàn cho trẻ em cùng gia đình của họ.

Việc hỗ trợ đã cung cấp các mặt hàng y tế liên quan đến nhu cầu hiện nay của các quốc đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật, tăm bông, nhiệt kế, bộ dụng cụ xét nghiệm, găng tay và áo choàng y tế, cùng với các tài liệu truyền thông để tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của dịch bệnh, cách điều trị cho người bị bệnh và các hoạt động phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ngoài việc cung cấp vật tư y tế và thiết bị phòng xét nghiệm để hỗ trợ chính phủ các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, UNICEF tiếp tục tiếp cận cộng đồng để chia sẻ các thông tin quan trọng về việc giữ an toàn cho trẻ em và ngăn ngừa sự lan rộng của dịch bệnh, như rửa tay, ho vào khuỷu tay và không chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, miệng và mũi.

* Cùng ngày, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua 2 văn bản luật cho phép giải ngân nhanh chóng các quỹ từ ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Với quyết định mới nhất này, châu Âu đã cùng lúc sửa đổi các quy tắc của Quỹ cấu trúc và đầu tư (ESI) và đồng thời cho phép mở rộng phạm vi của Quỹ đoàn kết của EU (FSE).

Sáng kiến đầu tư cho việc đối phó với COVID-19 sẽ cho phép các quốc gia thành viên được tiếp cận số tiền 37 tỷ euro từ các quỹ gắn kết cho mục đích nâng cao năng lực hệ thống y tế cũng như hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, kích hoạt các chương trình thất nghiệp bán phần và giúp duy trì các dịch vụ thiết yếu. Khoảng 8 tỷ euro trong tổng số tiền trên đến từ khoản tài trợ trước đó nhưng chưa được sử dụng trong năm 2019 của Quỹ cấu trúc và đầu tư.

Biện pháp mới cho phép các quốc gia thành viên có thể chi những khoản chưa sử dụng để giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch thay vì hoàn trả cho ngân sách của EU. Một khoản bổ sung trị giá 29 tỷ euro cũng sẽ được ứng cho các khoản tín dụng đáo hạn trong năm.

Những khoản ngân sách trên được bố trí từ ngày 1/2/2020 và đã sẵn sàng để trang trải các chi phí phát sinh trong mục đích cứu người và bảo vệ công dân. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng được quyền linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi giữa các chương trình thuộc chính sách gắn kết nhằm điều chuyển các nguồn lực trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng châu Âu cũng sửa đổi phạm vi áp dụng của Quỹ đoàn kết của EU để bổ sung các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng, bên cạnh nội dung trước đó về thảm họa tự nhiên. Quyết sách mới sẽ giúp các quốc gia thành viên và các quốc gia trên đường gia nhập đáp ứng nhu cầu tức thời của người dân trong đại dịch COVID-19.

* Liên minh châu Âu (EU) đã đình chỉ việc áp dụng quy định về vị trí cất cánh và hạ cánh tại các sân bay của khối này.

Đây được xem là một trong những biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ các hãng hàng không châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo quy định trước đó, các hãng hàng không có thể mất vị trí hạ cánh hoặc cất cánh thuận lợi nếu họ hủy các chuyến bay trong thời gian dài.

Quy định nêu rõ nếu việc sử dụng các vị trí ưu tiên trên không đạt tới tần suất 80%, các hãng hàng không sẽ bị mất các vị trí này trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 31/3, Hội đồng châu Âu - đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU - đã thông báo đình chỉ việc áp dụng quy định trên cho đến ngày 24/10 tới, nhằm “giúp các hãng hàng không đối phó với sự sụt giảm nghiêm trọng trong tần suất giao thông hàng không”.

Cũng giống như tại châu lục khác, hàng không châu Âu đang phải đối mặt với những thiệt hại khổng lồ do dịch COVID-19 gây ra, trong bối cảnh các quốc gia đóng cửa đường biên giới và người dân được yêu cầu ở trong nhà đề phòng dịch bệnh lây lan.

Nhiều hãng hàng không đã bắt đầu giảm giờ làm việc cho nhân viên, thậm chí dự kiến thu hẹp nhân sự để cắt giảm chi phí hoạt động.

Đây không phải là lần đầu tiên EU nới lỏng quy định đối với hàng không nội khối.

Quyết định đình chỉ áp dụng quy định về vị trí cất cánh và hạ cánh cũng đã từng được đưa ra trong bối cảnh xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 và sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

 
;
.