Liên hợp quốc kêu gọi đối phó quyết liệt hơn với dịch COVID-19

Thứ Năm, 02/04/2020, 20:57 [GMT+7]
In bài này
.

* Hoãn hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu l Tập đoàn Volkswagen thiệt hại 2 tỷ euro mỗi tuần 

* Tổng thống Nga ký luật trao quyền ban bố trình trạng khẩn cấp

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 1/4 đã gọi đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đồng thời nhấn mạnh virus gây chết người SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó quyết liệt hơn theo đúng tình hình cấp bách của đại dịch COVID-19 hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của Liên hợp quốc. Nó gây chết chóc, gieo rắc sự đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên điều lớn hơn cả là một cuộc khủng hoảng nhân loại. Đại dịch COVID-19 đang tấn công vào cốt lõi của xã hội loài người”.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng cảnh báo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu đang gặp rủi ro và sẽ dẫn đến “một cuộc suy thoái mà có lẽ không có sự song trùng nào trong lịch sử gần đây”.

Một trong những tác động thảm khốc của đại dịch COVID-19 là có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới.

l Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra từ ngày 9-19/11 tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) sẽ bị hoãn do đại dịch COVID-19.

Ngày 2/4, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, các cuộc đàm phán bị hoãn lại vì các quốc gia cần tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông Sharma cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với “một thách thức toàn cầu chưa từng có” và các quốc gia đang tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch này. Vì thế, COP26 đã bị hoãn lại.

Trong tuyên bố tương tự, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Patricia Espinosa, cũng cảnh báo COVID-19 là “mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với nhân loại hiện nay". Tuy nhiên, bà khuyến cáo thế giới không nên quên rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai.

l Giám đốc điều hành Volkswagen (VW), ông Herbert Diess cho biết, dịch bệnh COVID-19 đang khiến tập đoàn sản xuất xe hơi này thiệt hại khoảng 2 tỷ euro mỗi tuần. Thị trường duy nhất mà Volkswagen hiện có thể sản xuất và bán ô tô là Trung Quốc. Tuy sản xuất của VW tại thị trường quốc gia châu Á đã trở lại một nửa công suất ban đầu, song doanh số từ thị trường đơn lẻ này không đủ để trang trải chi phí cố định khổng lồ của VW.

Lãnh đạo VW cũng cho biết hãng đang phải tính lại kế hoạch sản xuất để có thể vượt qua khủng hoảng mà không phải sa thải số lao động gồm 80.000 người của hãng khi hoạt động sản xuất được nối lại.

l Ngày 2/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh trình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tăng nợ trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học.

Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Nội các, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết, nước này dành gần 18 tỷ USD để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng như tình trạng suy thoái kinh tế kèm theo đó.

Ông Mishustin cam kết thực hiện các biện pháp bổ sung đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế đứng bên bờ vực suy thoái này.

Nga đang tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong khi còn phải đối mặt với cú sốc giá dầu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga - tụt xuống mức thấp trong 18 năm qua kèm theo sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ.

Thủ tướng Mishustin thông báo: "Tổng cộng, Bộ Tài chính đã dành 1.400 tỷ rúp (17,8 tỷ USD) cho mục đích chống lây nhiễm virus corona và các hành động chống khủng hoảng". Theo ông Mishustin, chính phủ đang xem xét gói các biện pháp mới "nhằm khắc phục hậu quả lây nhiễm SARS-CoV-2".

Cùng đó, Nga đã giảm thuế và nới lỏng quy định pháp lý đối với DN bị thiệt hại do COVID-19, như trong các lĩnh vực ăn uống, du lịch, văn hóa thể thao cũng như chiếu phim.

Ông Mishustin cho biết, các biện pháp mới nhằm hỗ trợ việc làm cũng như DN vừa và nhỏ, trong bối cảnh Nga tăng cường các quy định ngăn chặn virus lây lan tới nhiều khu vực hơn trong khi số người nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng lên.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.