Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Kêu gọi các bên xung đột ngừng chiến để chống dịch COVID-19

Thứ Năm, 02/07/2020, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 2/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kêu gọi các bên tham gia xung đột trên thế giới ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức.

Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một phiên họp trực tuyến.
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một phiên họp trực tuyến.

Nghị quyết 2532, nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an, hối thúc tất cả các bên đang tham chiến ngay lập tức ngừng bắn trong ít nhất 90 ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo diễn ra an toàn, thuận lợi, bảo đảm hàng cứu trợ tới được những người đang cần giúp đỡ, hỗ trợ công tác cứu trợ và sơ tấn y tế.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng nêu rõ “khoảng dừng nhân đạo” này không ảnh hưởng tới các chiến dịch quân sự nhằm vào các tổ chức khủng bố nhà nước như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Qaeda và mặt trận Al-Nusra Front, cũng như tất cả các cá nhân, tổ chức, chi nhánh có liên quan tới al-Qaeda hay IS hay các tổ chức khủng bố trong “danh sách đen” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Văn kiện này cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc hỗ trợ bảo đảm tất cả các cơ quan trực thuộc tăng tốc ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý tới các nước có nhu cầu cấp thiết, những nước đang xảy ra xung đột hay khủng hoảng nhân đạo.

Nghị quyết yêu cầu Tổng Thư ký chỉ thị các phái bộ gìn giữ hòa bình hỗ trợ, trong phạm vi nhiệm vụ, năng lực của mình, hỗ trợ chính quyền nước sở tại kiểm soát dịch bệnh.

Tổng Thư ký và các nước thành viên Liên hợp quốc cần thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn, an ninh và sức khỏe của tất cả các nhân viên Liên hợp quốc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nghị quyết thừa nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong những nỗ lực ứng phó với dịch COVID-19, cũng như những tác động tiêu cực của đại dịch, đặc biệt là tác động kinh tế, xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em, người cao tuổi, người sơ tán trong nước, người khuyết tật, bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của nữ giới và thanh niên trong ứng phó với đại dịch.

LAN PHƯƠNG (TTXVN)

;
.