Mỹ Latinh "đuối sức" trong cuộc chiến chống COVID-19

Chủ Nhật, 02/08/2020, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Mặc dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo về khả năng cao trở thành ổ dịch COVID-19 mới trên thế giới, nhưng có thể nói chính phủ không ít nước Mỹ Latinh vẫn lơ là, mất cảnh giác, trong đó phải kể tới Brazil, quốc gia lớn nhất khu vực.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Mexico City (Mexico), ngày 20/7.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Mexico City (Mexico), ngày 20/7.

Và giờ đây, khi cảnh báo trên trở thành hiện thực, Mỹ Latinh đang tỏ ra “đuối sức” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm này.

Đại dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe bùng phát muộn hơn các khu vực khác trên thế giới khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 26/2 tại Brazil, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh từng ngày và biến khu vực này trở thành nơi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoành hành mạnh nhất, với trên 4,7 triệu người mắc bệnh và hơn 350.000 người tử vong.

Giám đốc PAHO, Carissa Etienne, cảnh báo 186 triệu người (trong tổng dân số hơn 630 triệu của khu vực) có rủi ro cao mắc COVID-19.

Bất chấp việc phần lớn các nước Mỹ Latinh triển khai những biện pháp ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm ngăn chặn dịch bệnh như giới nghiêm, đóng cửa biên giới, áp đặt biện pháp cách ly xã hội, cấm toàn bộ các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa các trường học và các loại hình kinh doanh - dịch vụ phi thiết yếu của nền kinh tế, nhưng dịch tiếp tục lây lan mạnh và gần như mất kiểm soát.

Lý do dẫn tới tình trạng này là do một số chính phủ đã hạ thấp cấp độ nghiêm trọng của dịch, điển hình là Brazil và Mexico, cũng với đó là ý thức của người dân và chủ yếu là người nghèo phải “liều mạng” với dịch bệnh để mưu sinh.

Brazil và Mexico là 2 quốc gia có số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong cao nhất khu vực, theo thứ tự đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới về số ca tử vong, cùng với đó là thứ 2 và thứ 6 thế giới về số ca bệnh. Việc dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Brazil và Mexico không nằm ngoài cảnh báo và dự đoán của các chuyên gia dịch tễ học.

Đặc điểm chung tại Brazil và Mexico là sự thiếu đồng nhất giữa chính quyền liên bang và địa phương trong chiến lược chống dịch, và chính phủ luôn hạ thấp cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Mỹ Latinh là một trong những khu vực có tình trạng bất bình đẳng và tỷ lệ người nghèo cao nhất thế giới. Hiện khu vực có khoảng 200 triệu người nghèo, chiếm 30,8% dân số, phần lớn làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Và do vậy, việc giãn cách và cách ly bắt buộc đối với tầng lớp này gần như là bất khả thi khi họ buộc phải ra đường để tìm cách mưu sinh.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế yếu kém do thiếu sự quan tâm và đầu tư của chính phủ trong nhiều năm khiến khả năng chống chọi với đại dịch càng trở lên khó khăn.

Trước nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ và nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh đã và đang huy động mọi nguồn lực tài chính có thể cho cuộc chiến chống COVID-19.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã công bố một loạt gói tài chính trị giá hàng tỷ USD và kêu gọi sự hỗ trợ từ các thể chế tài chính đa phương nhằm tăng cường hệ thống tài chính công, hệ thống y tế, trợ giúp người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp trên đạt hiệu quả thấp trước diễn biến nhanh và phức tạp của COVID-19.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) và WHO, cuộc khủng hoảng COVID-19 có nguy cơ khiến khu vực Mỹ Latinh và Caribe thụt lùi một thập niên do đối mặt kinh tế giảm sút và nghèo đói gia tăng.

Có thể thấy Mỹ Latinh đang lâm vào bế tắc trong cuộc chiến chống COVID-19 khi các biện pháp đã và đang được triển khai, nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu với các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng và nhiều khả năng mất kiểm soát. Tất cả chỉ còn mong chờ vắc xin ngừa COVID-19 sớm được nghiên cứu thành công.

Tuy nhiên, để khu vực nghèo như Mỹ Latinh có thể tiếp cận sớm với vắc xin là cả một thách thức bởi nguồn lực kinh tế của các nước cũng đang rất eo hẹp.

VIỆT HÙNG (TTXVN)

 
;
.