Sắc màu Giáng sinh trên thế giới

Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:16 [GMT+7]
In bài này
.

Đối với người dân Iceland, lễ Giáng sinh sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu đi hình ảnh những chồng sách chất đầy dưới gốc cây thông, còn ở Áo, những đứa trẻ hư sẽ bị những đàn đàn ông trẻ hóa thân thành ác quỷ Krampus cầm gậy và roi đuổi đánh và trừng phạt.

Chợ Giáng sinh ở Đức.
Chợ Giáng sinh ở Đức.

ICELAND

Là một băng đảo nổi tiếng, Iceland được xem là một trong những quốc gia ăn mừng lễ Giáng sinh hoành tráng nhất. Vào đêm Giáng sinh, người Iceland sẽ thắp các ngọn nến bên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc bất cứ ai mệt mỏi qua đường tìm nơi nghỉ ngơi. Người Iceland luôn sắp xếp nơi ở cũng như một bữa tiệc thịnh soạn mời những vị khác đặc biệt này.

Đặc biệt, đối với người dân Iceland, lễ Giáng sinh sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu đi hình ảnh những chồng sách chất đầy dưới gốc cây thông. Vào đêm Giáng sinh, người dân ở Iceland, đất nước được mệnh danh là kho tàng truyện dân gian của thế giới, thường tặng nhau sách, tận hưởng buổi tối yên bình bên lò sưởi và những trang sách, thường là những cuốn tiểu thuyết trinh thám mới “ra lò.”

Từ năm 1945, phong tục Jolabokaflod, còn gọi là Christmas Book Flood (tạm dịch: Cơn lũ Sách Giáng sinh), đã trở thành một truyền thống được yêu thích ở Iceland mỗi mùa Giáng sinh. Jolabokaflod gần giống với ngày hội sách “Super Thursday” (Siêu Thứ Năm) diễn ra hàng năm ở Anh, nhưng với quy mô lớn hơn nhiều.

Nếu “xứ sở sương mù” phát hành hàng trăm đầu sách bìa cứng trong ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 10, thì Iceland xuất bản đến 70% tổng số sách của cả năm chỉ trong hai tháng 11-12 cuối năm.

Truyền thống văn học của Iceland phát triển từ cách đây khoảng 900 năm, trong đó kho tàng truyện dân gian được ví như “viên ngọc quý” của làng văn học thế giới. Các tác phẩm này cho đến nay vẫn được yêu thích, xuất bản rộng rãi và được đưa vào chương trình học ở nhà trường.

Ngoài ra, tại Iceland đùi cừu nướng là món ăn chính trong ngày lễ Giáng sinh hay còn được gọi là “Yule meal”, dùng kèm với vụn bánh mình được cắt thành lát và chiên lên trước khi dùng. Người Iceland luôn truyền tai nhau câu chuyện chú mèo Yule hung dữ và khát máu luôn tìm kiếm những người không mặc quần áo mới vào dịp cuối năm. Trẻ em sẽ được 13 “Yule Lads” thay thế ông già Noel ở Iceland để phân phát quà.

ÁO

Khác với Giáng sinh ở các nước khác, trẻ em nước Áo có cách đón chào ngày lễ này độc đáo hơn. Những đứa trẻ hư sẽ bị những đàn đàn ông trẻ hóa thân thành ác quỷ Krampus cầm gậy và roi đuổi đánh và trừng phạt. Bởi theo truyền thuyết, vào đêm ngày 5 tháng 12 con quỷ Krampus sẽ đến thăm từng nhà - y như ông già Noel. Tuy nhiên thay vì tặng trẻ con quà và kẹo, Krampus sẽ đánh những đứa trẻ hư bằng gậy. Hắn thậm chí sẽ nhốt chúng vào bao tải rồi ném xuống suối, hoặc đơn giản hơn là mang chúng thẳng xuống địa ngục.

Ngày nay, mọi người ở Áo sẽ cải trang như những con quỷ Krampus và tham gia vào cuộc đua Krampuslauf. Họ thường đeo mặt nạ chạm khắc bằng gỗ, chuông, dây chuyền và mặc trang phục Krampus được thiết kế công phu để cùng chạy đua qua thị trấn.

Trong buổi Giáng sinh thân mật, mọi người sẽ quây quần cùng nhau ăn món thịt chân giò bỏ lò, bánh chocolate Sacher torte, bánh mỳ ngọt Stollen với hoa quả khô, bạch đậu khấu, quế và rượu Rum.

ĐỨC

Ngày lễ Giáng sinh, người Đức thường dự các nghi lễ tại nhà thờ đến tận tối khuya. Tại nhiều thành phố ở Đức thường tổ chức các phiên chợ Giáng sinh đông đúc kéo dài từ tháng 11 đến ngày lễ chính. Những ngày trước đêm Giáng sinh (được gọi là mùa Vọng), người Đức sẽ bóc 1 ô nhỏ trên lịch chứa kẹo để lấy kẹo ăn.

Chợ Giáng sinh (tiếng Đức Weihnachtsmarkt, Christkindlesmarkt) là một phong tục bắt nguồn từ cuối thời Trung cổ (thế kỷ XIV) để bán thức ăn và đồ tiêu dùng mùa đông. Trải qua một thời gian dài biến động thì đến nay nó đã trở thành một lễ hội văn hóa nổi bật và quan trọng của người dân Đức cũng như một số nước châu Âu khác trong mùa Giáng sinh, như chợ hoa ngày Tết của Việt Nam.

Nước Đức có Hội chợ giáng sinh lâu đời nhất châu Âu, từ năm 1434 - phiên chợ đầu tiên được tổ chức tại quảng trường nhà thờ Frauenkirche ở thành phố Dresden. Các chợ Giáng sinh có thể khác nhau về quy mô, sự nổi tiếng và thời gian mở cửa, nhưng lại khá giống nhau với nhiều gian hàng dựng từ nhà gỗ bao quanh một di tích văn hóa đặc trưng của thành phố. Trong thời gian này những quảng trường trung tâm, các khu phố cổ dành cho người đi bộ hay gần nhà thờ lớn đều bừng sáng ánh đèn rực rỡ, nhộn nhịp khách đến khuya và đượm mùi rượu vang hâm nóng cũng như bánh kẹo đồ ăn thơm phức…

Ngày lễ Giáng sinh cũng là dịp người Đức quây quần bên gia đình cùng nhau trang trí cây thông Noel và sum vầy ăn tối với món xúc xích nhỏ, salat khoai tây và ngỗng quay. Buổi tối, các thành viên sẽ ngồi lại trao đổi quà cho nhau.

ITALY

Giáng sinh ở Italia bắt đầu rất sớm, đó là vào ngày 8/12.

Presepi là mô hình Giáng sinh được trưng bày tại các nhà thờ, quảng trường trong dịp lễ Giáng sinh ở Italia. Mô hình Giáng sinh hoàn toàn là những tác phẩm thủ công do chính người dân tạo ra. Ông già Noel là nhân vật không thể thiếu trong lễ Giáng sinh tại các nước. Thế nhưng, Giáng sinh ở Italia lại không có nhân vật này, thay vào đó là Befana – một nữ phù thủy tốt bụng. Thông thường, Befana sẽ trao những món quà cho trẻ nhỏ ở những khu vui chơi tại quảng trường. Thế nhưng, riêng tại Venice thì lại quan niệm rằng Befana đến trao quà bằng chiếc thuyền của mình.

Trẻ em Italia trong ngày lễ mong chờ này sẽ lần lượt đứng lên kể các câu chuyện Giáng sinh (“Hành trình giáng sinh ở đất nước Italia bé nhỏ” hay Merry Christmas, Strega Nona,…) và bà già Noel sẽ đến thăm và tặng quà.

Trong đêm Giáng sinh mọi người sẽ cùng nhau ăn món Lasagne (một món ăn như mỳ Ý nhưng dạng tấm hoặc lá, các nguyên liệu chính là thịt, nước sốt, phô mai và lasagna). Và đặc biệt người Italia còn có “tiệc hải sản” với sự góp mặt của 7 món hải sản bao gồm cá, mực, tôm được chế biến khác nhau.

NHẬT

Nhật Bản là một trong những quốc gia đón Giáng sinh độc đáo trên thế giới. Vì là một trong những quốc gia châu Á chọn Tết dương lịch làm Tết quốc gia, nên từ trước ngày Giáng sinh đến dịp năm mới, toàn Nhật Bản sẽ khởi diễn bài Daiku (bản giao hưởng thứ 9 của Beethoven).

Vào dịp lễ Noel vui nhộn này, trần nhà của các gia đình Nhật sẽ được khoác lên những chiếc áo mới với những nhánh tầm xuân và cây tầm gửi, gắn một chiếc bùa hộ mệnh trước cửa ra vào. Mọi người sẽ tặng nhau những tấm thiệp màu trắng thay vì màu đỏ (người Nhật quan niệm màu đỏ là màu của giấy cáo phó), cùng nhau tặng bánh, trang trí các giấy gấp origami khéo léo trên cây thông và ăn mừng thời khắc Giáng sinh với món gà KFC.

PHÁP

Ở Pháp, Giáng sinh là khoảng thời gian dành cho đoàn tụ gia đình và cho sự vị tha, bởi tình cảm gia đình, bởi những món quà và nến giáng sinh cho trẻ nhỏ, những đồ bố thí cho người nghèo, Lễ thánh lúc nửa đêm, và Bữa ăn đêm Noel (La Réveillon).

Trẻ em Pháp sễ đặt những đôi tất phía trước lò sưởi, với hi vọng rằng Ông già Noel sẽ cho chúng những món quà. Kẹo, trái cây, các loại hạt, và những đồ chơi nhỏ cũng sẽ được treo trên cây qua đêm. Ở một số vùng còn có Ông già ba bị (Père Fouettard), người chuyên đi đánh đòn những trẻ em hư.

Vào thời khắc Giáng sinh, mọi người sẽ cũng nhau ăn những món truyền thống như cá hồi hun khói và gan ngỗng (ngỗng hoặc gan vịt pate), ngỗng, gà trống thiến hay gà tây nhồi hạt dẻ và ăn kèm với rau như đậu xanh nấu với tỏi và bơ và các loại thảo mộc xào khoai tây. Ngoài ra còn có tráng miệng bánh La bûche de Noël (Bánh khúc củi) và phát bánh mì Le pain calendal cho người nghèo.

BA LAN

Tại đất nước Ba Lan xinh đẹp, mọi người sẽ cùng nhau dự tiệc Wigilia (tiệc chờ đợi Thiên Chúa giáng sinh) khi thấy những tia sáng lấp lánh của ngôi sao đầu tiên vào ngày 24/12.

Các phong tục dịp lễ Giáng sinh rất quan trọng ở Ba Lan. Nó được truyền và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các phong tục phổ biến nhất là để thêm một chỗ trống trên bàn ăn, hay cùng chia sẻ bánh mỏng (łamanie się opłatkiem).

Ở vùng Podlasie đến giờ vẫn có tục lệ liên quan đến thức ăn còn lại sau đêm Giáng Sinh. Theo truyền thống, các đồ ăn còn lại được để bên cạnh bếp lò, trước đó để một ghế băng dài và rắc lên ghế cát hay tro. Đồ ăn để lại đó cả đêm. Theo tục lệ họ tin vào việc những người đã qua đời về thăm nhà hôm ấy. Theo các dấu vết còn lại trên ghế, người ta đoán xem ai trong họ đã về ăn đồ ăn ở nhà.

Ở vùng Mazury và Warmia vẫn còn tập tục rút rơm ở dưới khăn trải bàn. Theo tập tục, dưới khăn trải bàn người ta trải rơm và sau bữa ăn mọi người rút rơm ra bói. Ai rút được cọng rơm thẳng sẽ có cuộc đời thẳng và không có các nguy hiểm. Nếu sọi rơm rút ra cong thì cuộc đời sẽ có nhiều bước ngoặt và không dễ dàng…

MINH LONG (Tổng hợp)

;
.