AFGHANISTAN TRƯỚC NGÀY QUÂN ĐỘI MỸ RÚT HẾT

Kỳ 1: Hòa bình xa vời

Thứ Sáu, 11/06/2021, 21:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu không có gì thay đổi, những người lính Mỹ cuối cùng ở Afghanistan sẽ rút khỏi quốc gia này trước ngày 11/9 năm nay theo thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bên cạnh đó, gần 1.000 binh sĩ từ các nước đồng minh với Mỹ thuộc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang hoạt động ở Afghanistan cũng sẽ chấm dứt nhiệm vụ. Hiện tại, Mỹ còn 2.500 quân ở Afghanistan và điều gì sẽ xảy ra khi không còn lính Mỹ?

Những tay súng Taliban reo hò khi nghe tin quân Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 11/9.
Những tay súng Taliban reo hò khi nghe tin quân Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 11/9.

1. Ngay khi nghe tin lính Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan, Amirani, 18 tuổi, nữ sinh lớp 12 thuộc Trường Trung học Pardis ở thủ đô Kabul không dấu nổi sự lo lắng vì chẳng biết cô và các bạn có thể tốt nghiệp được hay không nếu quân Taliban tràn vào như đã từng xảy ra hồi tháng 9/1996 nhằm tái lập cái gọi là “Tiểu vương quốc Hồi giáo”. Ông Ahmad, nông dân ở Kandahar tự hỏi mảnh đất của mình liệu có bị Taliban thu hồi và từ người chủ, ông biến thành kẻ làm công không lương cho những tay súng “thánh chiến”? Còn với Kusdhan, một người lính quân đội chính phủ ở tỉnh Ghazni thì lo sợ Taliban sẽ chặt đầu anh ta nếu sau những cuộc đàm phán, Taliban tái hội nhập đời sống chính trị và họ lại muốn áp đặt mô hình xã hội bằng luật Hồi giáo khắc nghiệt (Sharia).

Ba người Afghanistan nói trên xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau nhưng hiện tại, họ đều có cùng một câu hỏi: “Tôi sẽ ra sao khi người Mỹ rời đi?”. Kể từ lúc xảy ra vụ tấn công tự sát ngày 11/9/2001 mà thủ phạm là tổ chức khủng bố al-Qaeda dưới quyền chỉ huy của Osama bin-Laden, nhắm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới New York, Mỹ, Chính phủ Mỹ đã đưa quân vào Afghanistan với mục đích tiêu diệt al-Qaeda và một tổ chức khác là Taliban - đã cho al-Qaeda mượn căn cứ của mình để hoạt động - rồi sau này là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ở thời điểm cao nhất, lực lượng lính Mỹ hiện diện tại Afghanistan lên đến 47.000 người cùng 7.000 binh sĩ của một số quốc gia thuộc NATO. Cuộc chiến dai dẳng chống al-Qaeda, Taliban và IS kéo dài suốt 20 năm đã khiến 2.442 lính Mỹ, 6 nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, 1.144 quân đồng minh cùng hơn 80.000 quân nhân, cảnh sát của cả Afghanistan lẫn Pakistan thiệt mạng, chưa kể 136 nhà báo, 594 thành viên của các tổ chức nhân đạo và 71.000 thường dân bị Taliban, IS và al-Qaeda hành quyết. Tổng chi phí cho cuộc chiến này lên đên 2,26 ngàn tỉ USD. Đổi lại, 90.000 tay súng Taliban, al-Qaeda và IS bi tiêu diệt.

2. Đầu năm 2020, sau nhiều vòng đàm phán, chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận với Taliban. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết rút hết 2.500 quân còn lại khỏi Afghanistan trước ngày 1/5 năm nay. Tuy nhiên, khi Joe Biden lên làm tổng thống, ông cho rằng thời điểm đó là không khả thi. Cuối cùng, ông Biden quyết định lính Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan trước 1/5 và hoàn tất trước 11/9. Việc Mỹ rút quân sẽ kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử của quốc gia này nhưng có khả năng nó sẽ khởi đầu cho một chương khó khăn khác đối với người dân Afghanistan. Wahida Sadeqi, 17 tuổi, nữ sinh lớp 11 tại Trường Trung học Pardis ở Kabul nói: “Tôi rất lo lắng cho tương lai của mình. Nó có vẻ u ám lắm. Nếu Taliban quay trở lại, tôi sẽ không còn được đến trường. Tôi sinh năm 2004 và tôi chỉ nghe kể về những gì Taliban đã làm gì với phụ nữ, rằng khi đó trẻ em gái không được đi học sau 8 tuổi, phụ nữ buộc phải mặc áo choàng dài có chàng mạng che mặt (burqua) ngay cả lúc ở nhà. Họ không được phép ra khỏi nhà nếu không có một người đàn ông trong gia đình đi cùng, cũng như không được phép để bác sĩ nam giới khám bệnh nếu bên cạnh họ không có mặt bà nội hoặc bà ngoại họ…”.

Tâm lý hoang mang hầu như hiện diện trong mọi khía cạnh cuộc sống ở Afghanistan. Ai cũng tự hỏi rồi sẽ ra sao và liệu chiến tranh có dừng lại hay không trong bối cảnh Taliban tiếp tục chống lại chính phủ Kabul và khăng khăng yêu cầu tổng thống Ashraf Ghani từ chức. Sự hoang mang ấy không phải là không có cơ sở bởi lẽ từ lúc những cuộc đàm phán về vấn đề hòa bình cho Afghanistan chính thức diễn ra ở Qatar thì những cuộc đụng độ lại bùng phát dữ dõi. Và thay vì nhắm vào lính Mỹ, mục tiêu của Taliban bây giờ là người Afghanistan. Theo phái bộ LHQ tại Afghanistan, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 573 dân thường thiệt mạng, 1.210 người bị thương, tăng 29% so với cùng thời gian này năm 2020.

Trong suốt 20 năm, được Mỹ hỗ trợ hàng trăm tỉ USD, Afghanistan đã xuất hiện một tầng lớp trí thức mà không ít người đang nổi lên với tư cách là những nhà lãnh đạo tương lai trong chính phủ Afghanistan, hoặc trong các khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, chưa kể nhiều người khác đạt được kỹ năng nghề nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khi làm việc cho các tổ chức quốc tế ở Afghanistan. Trên đường phố ở thủ đô Kabul không thiếu tiếng cười nói của các cô gái với đồng phục áo khoác đen, khăn trùm đầu trắng trên đường đến trường. Các quán cà phê, tiệm ăn, dịch vụ Internet, rạp chiếu phim, sân khấu ca nhạc, trung tâm mua sắm luôn nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Ở các xa lộ, các con đường liên tỉnh nối các thành phố và những vùng nông thôn, sự xuất hiện của các loại xe hơi tư nhân ngày càng nhiều nhưng đâu đó trong thâm tâm người dân Afghanistan, tất cả có thể sẽ biến mất nếu Taliban quay lại…

VŨ CAO (Theo World Politics)

(Còn nữa)

;
.