AFGHANISTAN TRƯỚC NGÀY QUÂN ĐỘI MỸ RÚT HẾT - Kỳ 2: Kẻ thù khó đánh bại

Thứ Sáu, 18/06/2021, 16:38 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 20 năm với sự có mặt của người Mỹ, xã hội Afghanistan đã xuất hiện những thay đổi rõ nét về các mặt giáo dục, giao thông, thương mại, văn hóa, y tế… nhưng điều này hầu như chỉ có thể nhìn thấy ở các thành phố lớn còn ở nhiều vùng nông thôn, đói nghèo, thiếu thốn và bất công vẫn luôn hiện diện. Thế nên với Taliban, đây là mảnh đất màu mỡ để họ bành trướng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà cả quân đội Mỹ lẫn Afghanistan không bao giờ có thể tiêu diệt một cách hiệu quả…

Sự lo lắng của người lính Afghanistan trước viễn cảnh không còn quân Mỹ.
Sự lo lắng của người lính Afghanistan trước viễn cảnh không còn quân Mỹ.

1. Những ngày gần đây, khi sự yểm trợ của Mỹ và đồng minh bắt đầu giảm bớt, binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã rút bỏ hàng chục trạm kiểm soát an ninh trong khi nhiều trạm khác bị Taliban lấn chiếm. Ở những vùng có căn cứ của Taliban, các tay súng “thánh chiến” hầu như đã xuất hiện công khai giữa ban ngày, điều mà họ chưa hề làm khi còn không quân Mỹ. Lợi dụng thời gian giữa các cuộc đàm phán lúc ông Trump là tổng thống Mỹ, Taliban đã thiết lập thêm nhiều căn cứ và tiền đồn. Niềm hy vọng duy nhất của ông Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan là có thể duy trì sức chiến đấu của 20.000 đến 30.000 quân đặc biệt tinh nhuệ với điều kiện Chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ cho Afghanistan mỗi năm 4 tỉ USD. Còn nếu khoản tiền đó bị cắt bởi Quốc hội Mỹ vì không muốn kéo dài cuộc chiến “của người khác”, chính phủ của ông Ghani có thể sẽ sụp đổ.

Sự xuất hiện gần như công khai của Taliban đã khiến nhiều người dân Afghanistan một lần nữa lại phải rời bỏ nhà cửa của mình. Ông Haji Abdul Samad, 52 tuổi, nông dân ở huyện Arghandab, tỉnh Kandahar nói: “Ruộng lúa mì của tôi đã gần đến ngày thu hoạch, Gia đình tôi ra đi mà chỉ dẫn theo được 2 con bò. Tôi quá mệt mỏi, bây giờ chúng tôi đang ở trong tình thế phải cầu xin. Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn mà chúng tôi đang gánh chịu. Họ ra đi mà không có hòa bình, không có tiến bộ. Họ chỉ muốn tránh né cuộc chiến”.

Taliban đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Ashraf Ghani từ chức để nhường chỗ cho một chính phủ lâm thời mà rất có thể là chính phủ của chính họ nhưng ông Ghani từ chối. Thay vào đó, ông thúc đẩy bầu cử nhưng điều này dẫn đến khả năng sẽ mở ra một cuộc nội chiến mới nhưng không có sự tham dự của người Mỹ và các lực lượng đồng minh. Torek Farhadi, cố vấn của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Kazai nói: “Thực tế là các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ không thể thực hiện ở một đất nước đang nằm trong bối cảnh chiến tranh. Ngược lại, nó có thể thúc đẩy thêm nhiều bạo lực”. Vẫn theo ông Torek Farhadi, việc Mỹ rút hết quân chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của lực lượng an ninh Afghanistan. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Mỹ có nghĩa là sức mạnh của không quân Mỹ. Họ xuất hiện bất cứ khi nào cần thiết nhưng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump thỏa thuận với Taliban, những cuộc không kích trở nên hiếm hoi. Nó chỉ xảy ra trong những tình huống thảm khốc nhất.

Không có sự hỗ trợ của lính Mỹ, quân đội chính phủ Afghanistan phải chống lại kẻ thù Taliban nhiều kinh nghiệm hơn và được trang bị tốt hơn. Thiếu tá Saifuddin Azizi, chỉ huy một đơn vị biệt kích ở tỉnh Ghazni, đông nam Afghanistan cho biết: “Đây không phải là thời điểm thích hợp để người Mỹ rút quân. Điều đó là vô lý, vội vàng và là một sự phản bội đối với chúng tôi. Nó đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến mới và vận mệnh của Afghanistan sẽ lại như cách đây hai thập kỷ”.

2. Về phía Taliban, ngoài những chiến dịch quân sự lấn đất, giành dân mỗi lúc một nhiều hơn thì về mặt chính trị, họ nhẩn nha như loài thú ăn thịt nhìn thấy con mồi đã sẵn sàng nằm trong móng vuốt của mình. Đã nhiều lần, Taliban không dấu diếm ý định thực sự là giành chính quyền bằng vũ lực một khi người Mỹ rời đi. Trong suốt 20 năm kể từ khi người Mỹ hiện diện ở Afghanistan, đã có khoảng 150.000 lượt người Afghanistan làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với quân đội hoặc các tổ chức dân sự Mỹ cùng các nước đồng minh với Mỹ. Trước khi quyết định rút hết binh sĩ khỏi quốc gia này, năm 2009 Quốc hội Mỹ đề ra chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), cho phép một phần trong số những người Afghanistan nêu trên được định cư ở Mỹ nhưng quá trình này diễn ra rất chậm. Tính đến cuối năm 2019, mới chỉ có hơn 18.000 đơn được chấp thuận và hiện vẫn còn hàng chục ngàn đơn đăng ký SIV khác đang chờ được xử lý. Ông Ibrahim, thợ điện người Afghanistan đã làm việc cho một công ty điện lực Mỹ trong quá trình tái thiết thủ đô Kabul và nhiều thành phố khác than thở: “Nếu Taliban quay lại, chắc chắn chúng sẽ chặt đầu tôi vì tội cộng tác với kẻ thù”. Sự lo sợ của ông Ibrahim không phải là vô cớ khi mà những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban mới chỉ vừa bắt đầu thì Adbul Samad Amiri, người đứng đầu văn phòng Tổ chức Nhân quyền Aghanistan ở tỉnh Ghor cùng với 1 nhân viên chính phủ bị Taliban bắt cóc. 2 ngày sau, thi thể của họ đã được tìm thấy ở quận Jalrez thuộc tỉnh Maidan Wardak, nơi Taliban đã thiết lập những trạm kiểm soát. Trong một tuyên bố trên mạng Internet, Taliban dọa sẽ “tiêu diệt các kênh truyền hình, các đài phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác đã từng phát sóng các chương trình chống lại chúng tôi”.

Và mặc dù Liên hợp quốc đã cam kết sẽ vẫn tiếp tục duy trì sứ mệnh nhân đạo ở quốc gia này sau khi lính Mỹ rút hết nhưng với con số hiện nay của lực lượng Liên hợp quốc là khoảng 4.000 người, trong đó 70% là người Afghanistan thì chẳng có gì bảo đảm rằng những người này sẽ không phải là mục tiêu của Taliban bởi lẽ những vụ tấn công bạo lực gần đây cho thấy lính Mỹ không còn là đối tượng cần phải tiêu diệt. Thêm vào đó, những yêu sách của Taliban về việc trả tự do cho 7.500 tay súng đang bị Chính phủ Afghanistan cầm tù cũng như xóa tên những thủ lĩnh của Taliban ra khỏi danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ rất khó để được đáp ứng…

VŨ CAO (Theo World Politics)

;
.