Đâu là nguyên nhân giúp Pháp thống lĩnh thị trường chuyển nhượng?

Thứ Hai, 15/07/2019, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Không ít ngôi sao tại Premier League, Serie A, Bundesliga và La Liga đều khởi đầu sự nghiệp ở Pháp. Tre già măng mọc, các đội bóng Pháp liên tục trình làng thế hệ cầu thủ trẻ tài năng mới, thay cho những người vừa bị họ bán đi. Đâu là nguyên nhân giúp Ligue 1 thống lĩnh thị trường mua bán cầu thủ suốt một thời gian dài?

Các học viện tại Pháp thường xuyên trình làng những tài năng sáng giá để rồi sau đó họ sớm vụt sáng thành ngôi sao.
Các học viện tại Pháp thường xuyên trình làng những tài năng sáng giá để rồi sau đó họ sớm vụt sáng thành ngôi sao.

NHỮNG VIÊN NGỌC THÔ

Khi tân binh Tanguy Ndombele của Tottenham khởi đầu sự nghiệp thi đấu ở Angers 3 năm trước, chỉ có vỏn vẹn 1.508 khán giả có mặt trong trận đấu đó. Năm 2006, tiền đạo cao kều Olivier Giroud có trận đấu đầu tiên cho Grenoble trước sự chứng kiến của 4.436 người. Ngay cả Kylian Mbappe cũng chỉ được khoảng 5.000 người hâm mộ dõi theo khi anh chơi trận đầu tiên cho Monaco vào tháng 12/2015.

Rõ ràng, sức hút của những tài năng trẻ Ligue 1 thậm chí còn kém xa những cầu thủ đang thi đấu tại V.League. Tuy nhiên, người Pháp - vốn nổi tiếng lãng mạn và mộng mơ - lại chẳng mấy bận tâm đến việc đó. Bóng đá Pháp có thể không hấp dẫn với khán giả quốc tế nhưng đổi lại, đó là điều kiện để họ tạo ra những cầu thủ mạnh mẽ có thể chinh phục cả thế giới.

Năm ngoái, đội tuyển Pháp đã lên ngôi vô địch World Cup với sức mạnh vượt trội so với phần còn lại. Tuy nhiên, sự thống trị của bóng đá Pháp còn thể hiện ở một khía cạnh khác. Có tới 52 cầu thủ sinh tại Pháp có mặt ở World Cup 2018, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Một phần tư số cầu thủ của các đội tuyển vào đến bán kết World Cup trưởng thành từ các học viện bóng đá Pháp.

Trong năm nay, Pháp cũng trở thành thị trường xuất khẩu cầu thủ chuyên nghiệp nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Nhân cơ hội đó, Ligue 1 đã thay đổi khẩu hiệu thành “Giải đấu của các tài năng”. Họ có lý do để tự tin tuyên bố như vậy. Đội tuyển Pháp mạnh tới mức họ vô địch World Cup mà không cần đến những ngôi sao như Rabiot, Coman hay Martial.

Pháp thực sự là thiên đường để những cầu thủ trẻ thể hiện tài năng: Các đội bóng hết sức tập trung phát triển cầu thủ trẻ, cơ sở vật chất đầy đủ và tiện nghi, cũng như các trận đấu phủi được tổ chức bất cứ lúc nào trên một góc sân nhằm giúp các cầu thủ thể hiện tối đa kỹ thuật cá nhân cũng như cái tôi của họ.

TRĂM HOA ĐUA NỞ

PSG có thể là một gã trọc phú chuyên dùng tiền thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới song trên thực tế, họ cũng là lò đào tạo cầu thủ trẻ tốt nhất nhì tại Pháp. Ngoài đội bóng thủ đô, Lyon và Marseille cũng đào tạo không ít tài năng. Xu thế “trăm hoa đua nở” đó giúp bóng đá Pháp hưởng lợi không nhỏ, cho thấy hướng đi họ đặt ra từ nhiều năm trước là hoàn toàn đúng đắn.

Năm 1973, Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Pháp yêu cầu tất cả các CLB trong nước phải thành lập học viện đào tạo cầu thủ trẻ. Cho đến nay, có tổng cộng 37 học viện đang hoạt động, và các cơ sở này đang nuôi dưỡng khoảng 2.000 cầu thủ trẻ từ 15 đến 20 tuổi. Ngay cả những vùng đất xa xôi thuộc Pháp như đảo Guadeloupe hay đảo Reunion cũng có những trung tâm như vậy.

Nếu PSG có Gergaud thì Lyon có Gerard Bonneau, tuyển trạch viên huyền thoại đã biến những cậu bé như Anthony Martial, Karim Benzema và Nabil Fekir trở thành cầu thủ đẳng cấp thế giới. Ông tiết lộ tiêu chí tiên quyết để trưởng thành trong môi trường bóng đá Pháp là phải sở hữu thể chất tốt và kỹ thuật xuất sắc: “Một trong những yếu tố nền tảng với mọi cầu thủ là họ phải dùng tốt cả hai chân, giải thích cho việc cầu thủ Pháp rất toàn diện. Tôi nghĩ mình có thể nhận ra một cầu thủ Pháp chỉ bằng cách liếc qua cách cậu ta chơi bóng”.

Tuy nhiên, việc chỉ chú trọng phát triển khả năng chuyên môn mà quên đi các khía cạnh đạo đức của cầu thủ cũng có những mặt trái. Một trong số đó là tai tiếng Knysna ở đội tuyển Pháp tại World Cup 2010, nơi những ngôi sao như Anelka và Evra công khai xúc phạm HLV trưởng Raymond Domenech. Kể từ sau vụ bê bối đó, các CLB Pháp mới để ý đến việc giáo dục thái độ cư xử của cầu thủ hơn. Họ cần phải tôn trọng tập thể, thay vì để cái tôi lấn át.

CẨM CHI

;
.