2 GIỜ NGÀY 12/7, CHUNG KẾT EURO 2020

Tam Sư đại chiến Thiên thanh

Thứ Sáu, 09/07/2021, 23:22 [GMT+7]
In bài này
.

Đội tuyển Italia và Anh có những cách rất khác nhau để tiến đến trận đấu cuối cùng của Euro 2020. Nếu như Azzurri đang trình diễn một lối chơi tấn công nhiệt huyết, tràn đầy máu lửa thì điều làm nên thành công cho Tam Sư là sự thực dụng, đặt kết quả lên ưu tiên hàng đầu.

Nếu như Azzurri đang trình diễn một lối chơi tấn công nhiệt huyết, tràn đầy máu lửa thì điều làm nên thành công cho Tam Sư là sự thực dụng, đặt kết quả lên ưu tiên hàng đầu.
Nếu như Azzurri đang trình diễn một lối chơi tấn công nhiệt huyết, tràn đầy máu lửa thì điều làm nên thành công cho Tam Sư là sự thực dụng, đặt kết quả lên ưu tiên hàng đầu.

2 LỐI CHƠI ĐỐI LẬP

Trong phần lớn các trận đấu tại VCK Euro 2021, Azzurri luôn là đội áp đặt thế trận với khả năng pressing trên từng mét cỏ. Chỉ trừ trận bán kết với Tây Ban Nha, các học trò của Mancini mới tỏ ra thất thế trước những bậc thầy về khả năng kiểm soát bóng.

Sự đối lập giữa Anh và Ý đến ngay từ tương quan lực lượng trước giải khi Anh được xem là một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch với dàn hảo thủ hùng hậu trong khi Ý mang đến Euro một đội hình không được đánh giá quá cao và chỉ được mong đợi tiến càng sâu càng tốt.  Ấy vậy mà khi vào giải, màn trình diễn thực tế của hai đội lại khác xa với kì vọng ban.

Italia của Roberto Mancini với lợi thế sân nhà ở vòng bảng đã trình làng một diện mạo mới mẻ với lối chơi tấn công phóng khoáng, đẹp mắt khác xa với hình ảnh những đội quân Thiên thanh trước đây vốn xù xì, gai góc và luôn nổi bật vai trò của hệ thống phòng ngự. Ở chiều ngược lại, Anh lầm lũi tiến vào chung kết với một phong cách khác xa kì vọng trước giải, bất chấp việc sở hữu rất nhiều ngôi sao tấn công trong đội hình, Gareth Southgate lại chọn đi theo con đường của chính đối thủ Ý trong quá khứ.

Anh của Gareth Southgate không tấn công đẹp mắt như Italia của Roberto Mancini nhưng ngược lại, họ đang là đội có hàng phòng ngự tốt nhất Euro khi mới chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 1  bàn duy nhất ở trận bán kết trước Đan Mạch.

Và như thể muốn đưa sự đối lập của Anh với Ý lên đến cao trào, những diễn biến khó lường ở giai đoạn vòng bảng đã đưa hai đội bóng vào hai nhánh đấu trái ngược nhau. Anh sau khi vượt qua Đức ở vòng 1/8 chỉ phải đối đầu với những Ukraine và Đan Mạch trên đường vào chung kết, còn Ý sau khi thắng Áo đã phải lần lượt vượt qua những chướng ngại mang tên Bỉ và Tây Ban Nha để hẹn Anh trong trận chiến cuối cùng.

Trong khi Italia của Roberto Mancini tiến đến chung kết với một lối chơi được định hình rõ ràng xuyên suốt cả giải đấu thì đối với Anh, có vẻ mọi thứ khó lường hơn nhiều. 6 trận đấu đã qua của Anh từ trận ra quân gặp Croatia cho đến chiến thắng sau 120 phút trước Đan Mạch ở bán kết gần như là 6 bộ mặt khác nhau tương ứng với những cách tiếp cận, triển khai khác nhau.

Một điểm chung đáng chú ý trong tất cả các trận đấu của Anh chính là việc rất nhiều thời điểm, các học trò của HLV Gareth Southgate chấp nhận kéo đội hình lùi sâu, nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ còn bản thân thì thiết lập một hệ thống phòng ngự kín kẽ và tìm kiếm cơ hội từ những tình huống phản công nhanh. Lối chơi này mang lại hiệu quả rõ rệt khi Anh vừa tiến vào chung kết bằng một hành trình tương đối gọn gàng và thuyết phục, vừa có thể ẩn mình lâu nhất có thể để tránh bị các đối thủ bắt bài. Như một chú “tắc kè hoa” thú vị của Euro năm nay: thay đổi lối chơi linh hoạt, biến hóa với từng đối thủ và đặc biệt, Gareth Southgate có những “nguyên liệu” chất lượng để lựa chọn của mình luôn được đảm bảo có thể mang lại hiệu quả tối đa, đó là bộ đôi Harry Kane – Raheem Sterling cùng quân bài tẩy Jack Grealish luôn sẵn sàng tạo đột biến khi được tung vào sân.

CÔNG CƯỜNG GẶP THỦ GIỎI

Tất nhiên, Italia sẽ là một đối thủ rất khác so với những Đan Mạch, Ukraine hay thậm chí là cả Đức, nhất là khi điểm yếu nhất của Anh nằm ở bộ đôi tiền vệ trung tâm Declan Rice – Kalvin Phillips lại chính là nơi mà người Italia tự tin nhất và cũng là trái tim trong lối chơi mà Roberto Mancini dày công gầy dựng với bộ ba Marco Verratti – Jorginho – Nicolo Barella.

Không những vậy, chiến thắng trước Tây Ban Nha ở bán kết là một minh chứng mạnh mẽ cho thấy khi cần, những “món nghề” đặc sản đã tạo nên bản sắc của bóng đá Ý thời kì trước như phòng ngự hay tiểu xảo vẫn ở đó, và vẫn đậm đặc trong những Giorgio Chielini, Leonardo Bonucci.

Khả năng cầm bóng của ĐT Anh không hề tồi, nhưng khó mà nói là đạt tới đẳng cấp như Tây Ban Nha. Do đó, sẽ không bất ngờ khi Italia nắm thế chủ động trong trận chung kết sắp tới. Câu hỏi giờ đây sẽ là đội bóng áo màu thiên thanh phải làm thế nào để chọc thủng hàng phòng ngự được đánh giá rất cao của Tam Sư. Rút ra từ những gì Đan Mạch đã thể hiện tại Wembley ở trận bán kết, Italia sẽ có rất nhiều cơ hội để làm điều đó nếu sử dụng những cái tên có tốc độ và khả năng gây đột biến. Với Federico Chiesa hay Lorenzo Insigne, Azzurri hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào những đường lên bóng của mình.

Trong khi đó, phòng ngự tiếp tục là ưu tiên của ông Gareth Southgate. Tầm quan trọng của Kalvin Phillips và Declan Rice sẽ được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, với nhiệm vụ thu hồi và là lá chắn từ xa cho Jordan Pickford. Trên phương diện tấn công, Tam Sư sẽ cần đến sự chính xác hơn từ những ngôi sao của mình. Trước Đan Mạch, Raheem Sterling và Harry Kane đã có không ít cơ hội, nhưng khả năng tận dụng thiếu sắc sảo đã khiến họ phải bước vào hiệp phụ.

Có thể nói, Italia và Anh đang là đại diện cho hai trường phái bóng đá xung khắc như lửa với nước. Đối với các cổ động viên trung lập, con tim của họ phần nhiều sẽ nghiêng về đội tuyển áo màu thiên thanh, nơi cái đẹp của môn thể thao vua được phát tiết tối đa. Ngược lại, những người thiên về lý trí sẽ chọn lựa tuyển Anh, một đội tuyển sẵn sàng làm mọi thứ để có được thành công.

Dù không có quá nhiều lần gặp nhau ở các giải đấu lớn nhưng mỗi cuộc đối đầu của Anh và Italia trong quá khứ vẫn luôn đong đầy cảm xúc. Hai cuộc đối đầu đáng chú ý nhất giữa Anh và Ý có thể kể tới trận bán kết World Cup 1990, nơi đội chủ nhà Ý đánh bại Anh sau loạt sút luân lưu; đến tứ kết Euro 2012, vẫn là một loạt sút luân lưu khác và chiến thắng vẫn thuộc về người Ý với cú panenka đến giờ vẫn còn được nhắc rất nhiều của Andrea Pirlo.

Anh chưa từng vô địch Euro và lại 2 lần thua đau người Ý trên chấm luân lưu, bấy nhiêu đó cũng đủ thấy khát khao của Harry Kane cùng các đồng đội ở trận đấu tới lớn như thế nào. Ở bên kia chiến tuyến, Italia dù đã vô địch thế giới 4 lần nhưng mới chỉ vô địch Euro 1 lần duy nhất năm 1968 và quan trọng hơn cả, họ cần có một cú hích thật sự đặt nền móng cho một thời kì mới.

CHƯƠNG NGUYỄN

;
.