Khơi dậy tinh thần thượng tôn pháp luật

Thứ Ba, 24/07/2018, 15:02 [GMT+7]
In bài này
.

Vụ việc bị đơn hành hung kiểm sát viên, cảnh sát khu vực và nhà báo ngay sau khi phiên tòa vừa kết thúc vào ngày 23-7 ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh như hồi chuông cảnh báo về tình trạng người dân thiếu ý thức thượng tôn pháp luật. Tòa án là nơi tôn nghiêm, nơi để Hội đồng xét xử thực thi công lý, thể hiện ý chí và quyền lực của Nhà nước, thế nhưng tại đây người ta phải chứng kiến hình ảnh những người đại diện pháp luật phải tay không chống đỡ lại hành vi côn đồ của những người vi phạm pháp luật vừa bị tòa phán xét, quả thật là điều không thể chấp nhận!

Việc đương sự quậy phá, nhục mạ, hành hung những người thực thi công lý tại phiên tòa không phải là lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Trước đó, cũng đã từng xảy ra những vụ việc tương tự với mức độ vi phạm khác nhau. Thái độ thiếu thượng tôn pháp luật không chỉ xảy ra ở các phiên tòa, mà còn biểu hiện ở nhiều nơi khác, chẳng hạn như công sở, công trường hay bất cứ nơi nào mà cán bộ nhà nước thực thi công vụ. Phổ biến nhất là hành vi chống trả, chửi bới, thóa mạ lực lượng cảnh sát giao thông khi bị phát hiện vi phạm luật giao thông. Hoặc hành vi hành hung, tước đoạt phương tiện tác nghiệp của nhà báo, của các lực lượng bảo vệ trật tự đô thị, trật tự xây dựng... Mới đây, tại TP. Vũng Tàu, một cán bộ quản lý đô thị bị tát tai khi đang làm nhiệm vụ xử lý trường hợp xây dựng trái phép. Trước đó, người dân TP. Vũng Tàu cũng đã từng chứng kiến cảnh đoàn cán bộ nhà nước bị khóa cửa nhốt trong nhà khi đi kiểm tra công trình xây dựng không phép. Liều lĩnh hơn, có đối tượng vi phạm còn lái xe tông vào xe của lực lượng thi hành nhiệm vụ nhằm tỏ thái độ phản ứng khi bị phát hiện việc làm trái pháp luật của mình.

Luật pháp Việt Nam đã có đủ các hình thức chế tài để xử lý những hành vi quá khích của người dân nhằm phản ứng lại kết luận của phiên tòa, hoặc quyết định của người thực thi công vụ. Cụ thể, theo Điều 391 Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, người có hành vi quậy phá tại phiên tòa có thể sẽ bị khởi tố về tội gây rối trật tự phiên tòa. Theo đó, chỉ cần thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tố tụng là có thể xử lý hình sự. Còn đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ ở mức độ nhẹ thì có thể xử lý hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ - CP ngày 12-1-2013, với mức phạt từ 500 ngàn đồng - 5 triệu đồng. Nếu hành vi có tính chất côn đồ, nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 3 năm đến chung thân (theo Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm  2017). 

Luật pháp đã có, song việc thực thi có nghiêm  túc, quyết liệt hay không mới là điều quan trọng. Nhiều trường hợp người thực hiện những hành vi quá khích trong các phiên tòa hoặc trong quá trình cán bộ nhà nước thực thi công vụ thường đưa ra những lý do để tranh thủ sự thông cảm của dư luận và sự nương tay của luật pháp. Tuy nhiên, trong những trường hợp này rất cần sự cứng rắn, nghiêm minh của luật pháp thì mới đủ để bảo đảm tính chất phòng ngừa, răn đe cũng như bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Đồng thời, cũng khơi dậy trong dân tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam vừa có ý thức chấp hành luật pháp vừa biết tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng những người đại diện các cơ quan hành pháp và thực thi công vụ.

LAM PHƯƠNG

;
.