"Đạo" kinh doanh

Chủ Nhật, 05/08/2018, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy ngày qua, vụ việc hệ thống siêu thị Con Cưng bị cáo buộc gian lận nhãn mác trên các sản phẩm quần áo trẻ em tiếp tục thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng (NTD) trong cả nước.

Mặc dù đại diện của Con Cưng khẳng định không gian lận thương mại nhưng lại không đưa ra được các bằng chứng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 120 ngàn sản phẩm gồm quần áo, giày dép, đồ chơi, mỹ phẩm… đang bị lực lượng QLTT tạm giữ để điều tra. Mặt khác, với việc QLTT TP.Hồ Chí Minh hôm 31-7 công bố chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, NTD có lý do để tin rằng sự nghi ngờ của NTD với các sản phẩm của hệ thống siêu thị là có cơ sở.

 Những năm gần đây, không ít công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh đã có những hành vi vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, sản suất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh DN, doanh nhân - lực lượng mà xã hội rất mực tôn vinh. Đó là những vụ đầu độc môi trường, kinh doanh sữa nhiễm melamine, gian lận xăng dầu, gian lận cước taxi, trộn bột đá vào kẹo, sản xuất mỹ phẩm giả, thuốc trị ung thư giả, bán lụa TQ nhưng gắn mác hàng Việt,… đã khiến cho dư luận xã hội phẫn nộ lên án, đòi hỏi phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đạo đức kinh doanh là một nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển DN. Đạo đức kinh doanh đòi hỏi DN tính trung thực và sự tôn trọng con người, không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh; DN phải tận tâm phục vụ khách hàng, thông qua việc tôn trọng quyền, lợi ích của khách hàng, giữ uy tín với khách hàng. DN phải thông tin, quảng cáo chính xác, trung thực hàng hóa, dịch vụ; Phải hướng dẫn NTD sử dụng, vận hành sản phẩm, hàng hóa, cảnh báo cho NTD đối với hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến môi trường; Sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, cân, đong, đo, đếm chính xác, phải thực hiện bảo hành và sẵn sàng bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do chính hàng hóa của mình gây ra. Đạo đức kinh doanh cũng đòi hỏi các DN quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, các vấn đề xã hội - nhân đạo. Đạo đức kinh doanh không cho phép họ thu lợi nhuận bằng bất cứ giá nào, coi thường sức khỏe và tính mạng của NTD, những người đem lại cho họ nguồn lợi lớn. 

Sự thành bại của một DN đều không thể tách rời sự ủng hộ, tiếp sức của NTD , xa hơn là của cả cộng đồng. Và như vậy, muốn “vị lợi” trước hết DN phải biết phải “vị nhân”. Đáng tiếc, vì lợi nhuận không ít DN đã bỏ qua trách nhiệm xã hội, phớt lờ đạo đức kinh doanh. Khi lừa dối NTD, trục lợi trên niềm tin-thậm chí tính mạng, sức khỏe của NTD, các DN đã không nghĩ đến điều này: một khi NTD không còn tin vào chữ tín của DN, đạo đức của nhà sản xuất thì họ có thể quay lưng với hàng hóa và trên thực tế, NTD đã cất tiếng nói, tẩy chay sản phẩm của các công ty không trung thực, lừa dối khách hàng.

Môi trường kinh doanh hiện nay ngày càng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. DN nào có tâm, có lực thì có nhiều cơ hội phát triển. Thế nhưng, quan điểm của một số DN về kinh doanh vẫn còn sai lệch, cực đoan. Họ cho rằng “thương trường là chiến trường”, mà đã là chiến trường thì phải có kẻ thắng người bại, phải dùng những thủ thuật để hạ gục đối thủ chứ không phải cùng nhau chiến thắng và phát triển (?!). Nếu coi kinh doanh là một thứ “đạo” thì người kinh doanh phải là một tín đồ trung thành tuyệt đối và phải tìm được sự thanh thản trong “đạo” của mình. Tất cả hoạt động của DN đều phải minh bạch trên tinh thần bảo đảm uy tín thương hiệu, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Mục đích sau cùng của kinh doanh đương nhiên là lợi nhuận nhưng cũng phải luôn gắn kinh doanh với phục vụ, lợi ích kinh doanh với lợi ích đất nước, lợi ích xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh văn hóa DN là linh hồn của thương hiệu. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia. Đánh mất văn hóa DN là đánh mất chính mình. Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Hàng năm, cứ đến Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, Thủ tướng lại lên tiếng nhắc nhở giới DN, doanh nhân hãy luôn nhớ “đạo kinh doanh”, kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại cho xã hội, cho cộng đồng.

Luật pháp tạo ra động lực để DN sản xuất kinh doanh thuận lợi, ứng xử văn minh, trung thực, có trách nhiệm với NTD nhưng pháp luật cũng sẵn sàng trừng phạt những DN làm ăn gian dối, xử lý thích đáng những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của NTD.

 NTD là yếu tố quyết định sự tồn vong của DN, yếu tố đó phụ thuộc nhiều vào thái độ ứng xử thiện chí hay mang tính đối phó của chủ DN. Xin lỗi NTD không phải là sự hạ mình mà là thể hiện sự cầu thị, thái độ phục thiện của một DN biết nhận ra sai lầm, quay đầu là bờ…

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.