Phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ Năm, 11/10/2018, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương. Các quốc gia có biển và không có biển đều xác định chiến lược “vươn ra biển”. Đó không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là vấn đề chiến lược mang tính sống còn của các quốc gia, dân tộc. Bởi, nếu để mất biển là mất lợi thế, là tự làm suy yếu không chỉ chính trị, quân sự mà cả yết hầu kinh tế.

Đối với nước ta, biển - đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển nước ta từ hàng ngàn năm nay có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Từ nay đến hết năm 2019, đầu năm 2020, trên cả nước, đặc biệt là các địa phương ven biển, đảo sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 09, rút ra các bài học làm được và chưa làm được; những thành công và tồn tại, yếu kém… Từ đó, giúp cho việc định ra các quyết sách mạnh mẽ, hữu hiệu, tổ chức thành công việc thực hiện Nghị quyết mới của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) vừa họp và bế mạc đầu tháng 10-2018 đã quyết định ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển chỉ rõ mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế biển: Đến năm 2030, đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước, đóng góp GRDP của các tỉnh thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước; Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Bảo đảm cân bằng sinh thái, hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển và hải đảo, đại dương.

Nghị quyết mới nêu rõ quan điểm, chương trình hành động về chủ quyền biển - đảo, theo đó kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước.

Tỉnh BR-VT là địa phương ven biển, có nhiều lợi thế và tiềm năng biển; là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các địa phương khu vực miền Đông Nam bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như nhiều Nghị quyết chuyên đề khác của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế biển đã xác định đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, các biện pháp, nhóm giải pháp phát triển kinh tế biển - đảo. Những năm qua, các ngành kinh tế biển (dầu khí, cảng biển, du lịch, nghề cá - nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản…) giành được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Phát triển kinh tế biển của BR-VT đi liền với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn sinh thái, nguồn lợi biển, bảo vệ chủ quyền biển - đảo.

Sắp tới, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 09, các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh BR-VT quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra các giải pháp đồng bộ thực hiện chương trình hành động “Phát triển kinh tế biển BR-VT bền vững” - vươn ra biển lớn.

HẢI VÂN

 

;
.