Tăng mức phạt liệu có tăng tính an toàn?

Thứ Sáu, 05/10/2018, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 20-10 tới đây, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực. Điều đáng nói là, Nghị định này có điểm được cộng đồng đặc biệt quan tâm khi quy định người có hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt ở mức từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

Trước đây, theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể một số điều của Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nếu vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính ở mức thấp nhất là 300 ngàn đồng, cao nhất là 2 triệu đồng. Như vậy, với Nghị định 115/2018 có hiệu lực tới đây đã tăng mức phạt lên đáng kể. Nghị định cũng đã “gọi đúng tên” những hành vi vi phạm, ví dụ như: “Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay” là một trong những hành vi bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, thay vì trước đây chỉ nêu chung chung: “Dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn”.

Tất nhiên, dư luận rất hưởng ứng với Nghị định, nhất là người tiêu dùng, bởi lâu nay vấn nạn thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh diễn ra phổ biến, khó chấn chỉnh. Dù rằng, khách quan mà nói, lĩnh vực này đã có sự chuyển biến so với trước, một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức tương đối, có cơ sở được coi là khá.

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn khi cho rằng, chưa hẳn cứ phạt thật nặng là đã có thể chuyển biến được ý thức của người kinh doanh mà cần phải làm sao để thay đổi thái độ, hành vi trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho đúng đắn. Ở góc độ người tiêu dùng bản thân tôi cũng đồng quan điểm. Sở dĩ nói như vậy là vì, tôi từng chứng kiến một cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở gần khu phố của tôi từ lâu đã đeo găng tay, có tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ theo quy định để bày bán thức ăn; thậm chí còn bố trí cả giỏ rác ở từng bàn ăn; nơi để thức ăn được che đậy, ngăn cách với không gian xung quanh bằng vách kính. Nếu nhìn về cảm quan, đó là một điểm kinh doanh “sạch sẽ”, bắt mắt khi từ nhân viên đến chủ cơ sở đều đeo tạp dề. Vậy nhưng, cũng đôi bao tay ấy được chủ cơ sở sử dụng nhiều lần, dùng để gỡ bún, bốc thịt và rửa rau và cả nhận tiền của khách, thối tiền cho khách… một cách rất tự nhiên, coi đó là việc rất bình thường. Tôi vốn kỹ tính, khi ăn các món rau sống thường hay săm soi xem rau được rửa đã sạch chưa, vì vậy có lần còn phát hiện nguyên cả chú giun nhỏ xíu bò dọc theo rãnh của nhánh rau ngò tây. Một số lần khác thì phát hiện trên cọng rau vẫn còn dính chút bùn đất. Hóa ra, rau chỉ được cơ sở “nhúng” qua nước, thay vì phải rửa ít nhất 3 lần, trong đó có lần rửa dưới vòi nước chảy! Chưa kể, đối với rau ăn sống còn được khuyến cáo nên ngâm kỹ qua nước muối. Đấy là ở một cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có địa chỉ rõ ràng, chủ quán nắm bắt về các quy định an toàn thực phẩm, chứ chưa nói đến hàng rong, quán cóc vỉa hè nay đây, mai đó…

Trên thực tế, việc đối phó không phải là hiếm gặp và đoàn thanh, kiểm tra khó lòng xử phạt được chủ cơ sở. Chưa kể, đoàn kiểm tra có số lượng khá ít ỏi, trong khi số lượng cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lại ngày càng nhiều, lên đến hàng ngàn ở mỗi địa phương; nếu mỗi năm, cố gắng lắm cũng chỉ khoảng 1/3 số cơ sở được kiểm tra và chỉ 1 lần là nhiều. Đoàn kiểm tra cũng không thể túc trực 24/24h mỗi ngày để bắt quả tang cơ sở vi phạm nếu như cơ sở đó cố tình đối phó. Vậy nên, việc tăng mức xử phạt là rất cần thiết, nhằm răn đe các cơ sở vi phạm cũng như chưa hoặc có nguy cơ vi phạm. Qua đó dần chấn chỉnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở loại hình thức ăn đường phố, vốn rất phổ biến và được người tiêu dùng lựa chọn hàng đầu tại địa phương trong tỉnh cũng như trong cả nước.

Điều đáng bàn ở đây là bên cạnh việc tăng mức phạt cần có các giải pháp đồng bộ khác nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm lâu dài, bền vững. Bởi, mức phạt sẽ không mấy tác dụng nếu các cơ sở vẫn cố tình đối phó như trường hợp kể trên. Chưa kể, theo nhận định của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính còn rất thấp so với cơ sở vi phạm, các đoàn kiểm tra còn du di, chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền là chính nên chưa đủ sức răn đe. Việc công khai danh tính các cơ sở vi phạm cũng chưa được thực hiện thường xuyên, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, ngay cả Tháng An toàn thực phẩm dù được phát động định kỳ hằng năm nhưng chưa mấy tác động sâu rộng đến cộng đồng. Khâu đầu vào của thực phẩm, chất phụ gia cũng cần được kiểm soát tốt, quy định rõ ràng khu vực kinh doanh thức ăn đường phố (không bán ở những nơi ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm)… Quan trọng nhất vẫn là thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người kinh doanh. Cơ quan chức năng cũng cần phải thực hiện nghiêm túc chức trách của mình và người tiêu dùng cần biết lựa chọn nơi an toàn để ăn uống, không nên “bạ đâu ăn đó”, tiếp tay cho các cơ sở không đạt chuẩn hoạt động.

THẢO LINH

 

;
.