Khó khăn khi thực hiện xếp hạng hướng dẫn viên du lịch

Thứ Tư, 14/11/2018, 16:32 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với sự bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) của nước ta ngày càng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê của Hội Hướng dẫn viên du lịch (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) hiện cả nước có hơn 23.000 HDVDL nội địa và quốc tế được cấp thẻ hành nghề.

HDVDL luôn được coi là người bạn đồng hành với du khách trên những chặng đường khám phá các tour, tuyến tham quan; là người đại diện cho các công ty, các doanh nghiệp lữ hành thực hiện thu xếp, giải quyết và xử lý mọi tình huống phát sinh suốt hành trình du lịch.

Vì vậy, HDVDL được nhiều người đánh giá là bộ mặt của các hoạt động dịch vụ chuyên ngành, là cầu nối giữa du khách với lịch sử, bản sắc văn hóa, ẩm thực và con người ở từng địa phương. Trình độ (kiến thức, ngoại ngữ…) và năng lực xử lý tình huống của HDVDL khi phục vụ du khách quốc tế, là một trong những tiêu chí để người nước ngoài đánh giá chất lượng các hoạt động dịch vụ du lịch, đồng thời cũng là nhân tố giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút du khách trở lại nước ta theo các tour, tuyến mới. Tuy nhiên, trong số hơn 23.000 HDVDL được cấp thẻ hành nghề, không phải tất cả đều có trình độ như nhau hoặc đã được đào tạo qua các trường, lớp nghiệp vụ chuyên ngành. Mặt khác, cho đến thời điểm giữa tháng 10-2018, ngành du lịch nước ta vẫn chưa thực hiện việc phân loại, xếp hạng HDVDL một cách căn cơ, bài bản. Điều đó thực sự gây ra nhiều khó khăn đối với các nhà quản lý kinh doanh du lịch trong ký kết hợp đồng lao động và là một trở ngại lớn đối với đội ngũ HDVDL trong học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Việc xếp hạng HDVDL có thực sự phát huy hiệu quả? Vì sao phần đông HDVDL chưa mặn mà với việc tham gia xếp hạng? Đây là những câu hỏi được dư luận quan tâm và gây nhiều bức xúc đối với các nhà quản lý du lịch. Bởi thực tế cũng đã phản ánh khá rõ những bất cập hiện nay đối với đội ngũ HDVDL nước ta. Trước hết, trong số hơn 23.000 HDVDL đã được cấp thẻ hành nghề thì chỉ có khoảng 5% HDV thực hiện ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành, được trả lương và đóng bảo hiểm xã hội; còn lại 95% HDV hoạt động tự do, không chịu sự ràng buộc với các hoạt động chuyên ngành. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm và hiện còn tồn tại ở nhiều địa phương. TP. Hồ Chí Minh là địa phương phát triển mạnh về du lịch, tỷ trọng đóng góp vào GDP của lĩnh vực này khá lớn, nhưng hoạt động của Chi hội Hướng dẫn viên du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù, là đơn vị được Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn tổ chức thí điểm chương trình “Xếp hạng HDVDL Việt Nam” (diễn ra từ ngày 22 đến 24-10 vừa qua), nhưng hầu hết HDV đều tỏ ra thờ ơ với chương trình này; chỉ có 60 hồ sơ đăng ký tham gia xếp hạng trong tổng số hơn 200 hội viên của chi hội (được biết, hiện có khoảng 4.800 HDVDL hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh nhưng chưa gia nhập chi hội).

Sau khi thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, sắp tới chương trình “Xếp hạng HDVDL Việt Nam” sẽ được thực hiện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lào Cai… Trong bối cảnh ngành du lịch nước ta đang trên đà phát triển mạnh, chất lượng HDVDL không đồng đều, thì việc xếp hạng HDVDL là một việc làm cần thiết, không chỉ để đánh giá năng lực của từng HDV, mà còn là thước đo khẳng định chất lượng HDVDL Việt Nam với du khách quốc tế. Việc xếp hạng HDVDL không phải là phân biệt mà để xác định đúng trình độ, năng lực và các kỹ năng xử lý tình huống của HDV, từ đó tăng cơ hội nghề nghiệp và bảo đảm mức thù lao tương xứng đối với HDV đã được xếp hạng. Điều quan trọng và cần thiết đối với ngành du lịch và từng địa phương là bên cạnh việc cấp thẻ hành nghề cần phải có sự phân loại, xếp hạng HDV một cách rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ HDVDL, để HDVDL không còn thờ ơ với các hoạt động chuyên ngành, coi việc xếp hạng chỉ mang tính chất tham chiếu.

HOÀNG LÊ

 

;
.