"Ném đá" - dưới góc nhìn văn hóa

Thứ Sáu, 02/11/2018, 09:26 [GMT+7]
In bài này
.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, thêm một lần nữa các đại biểu Quốc hội lên tiếng cảnh báo việc thực thi Luật An ninh mạng, trong đó có chuyện “ném đá” trên mạng xã hội. 

“Ném đá” trên mạng xã hội, dưới góc nhìn văn hóa, ngày càng thấy rõ nhiều vấn đề bức xúc. Từ điển tiếng Việt chưa kịp bổ sung hoàn chỉnh ngữ nghĩa của hai từ “ném đá”, bởi nó quá mới, ngày càng loang ra như vết dầu loang, nhất là trong mấy năm gần đây. Một nhà ngôn ngữ học tạm định nghĩa hai từ “ném đá” trên mạng, tự nó phản ánh một thái độ quá khích, thiếu tinh thần xây dựng. Có nhiều cá nhân không đáng bị “ném đá” nhưng vẫn bị “ném” không thương tiếc khi chẳng may gây ra những sự việc khác bình thường. 

“Đá” ở đây chính là sự phê bình, chỉ trích bằng ngôn từ, xuất hiện và lan truyền từ người này sang người khác theo cấp số nhân, tạo thành “hội đồng ném đá” trên mạng xã hội.

Xin nêu một ví dụ “nóng” vừa xảy ra cách đây vài tuần. Sau khi lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng tại TP.Hồ Chí Minh, lập tức ca sĩ Mỹ Linh hứng chịu cơn cuồng nộ của cư dân mạng. Cơn bão lăng nhục được đẩy lên đỉnh điểm khi chồng của chị là nhạc sĩ Anh Quân lên tiếng bênh vực vợ. Dĩ nhiên, cách “đáp trả” của hai người cũng thiếu sự cân nhắc nên cuộc cãi vã giữa một bên là số đông áp đảo với một bên chỉ là số ít càng trở nên quyết liệt. Công bằng mà nói có thể thấy đây là một vụ “ném đá” vô lý, vào hùa, theo phong trào, rất không văn hóa trên mạng xã hội. Theo đó, cuộc “ném đá” bị các thế lực bên ngoài lợi dụng, pha nhuộm màu sắc chính trị, quàng vào sự kiện người dân Thủ Thiêm khiếu kiện về đất đai để đả kích lãnh đạo, Đảng và chính quyền. 

Cách đây chưa lâu, Hà Nội mưa to, đường ngập nước. Một cán bộ là người tử tế, sống có nhân cách và được mọi người yêu quý – anh bị đau chân đi khập khiễng, nên anh đã được một anh bảo vệ tự nguyện cõng qua con đường nhựa chưa tới 10m chiều ngang. Một bức ảnh của ai đó chụp nhanh và đăng lên mạng xã hội cũng rất nhanh. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, anh cán bộ nọ bị cư dân mạng “ném đá” tơi bời, rằng cán bộ công quyền - đầy tớ của dân mà bắt dân cõng - phục dịch. Mạng xã hội khái quát thành vấn đề  “cán bộ suy thoái đạo đức”(!). Khác với Mỹ Linh - Anh Quân đã lên tiếng “đáp trả”, người cán bộ này chọn cách im lặng, mọi sự để thời gian trả lời.

“Ném đá” trên mạng xã hội là hành vi rất không văn hóa, hơn thế, trong một số trường hợp là vi phạm pháp luật, can tội bịa đặt thông tin, vô cớ xúc xiểm, bôi nhọ người khác. Chỉ xét riêng góc độ văn hóa đã không thể chấp nhận. Nên nhớ, đằng sau mỗi bức hình đại diện (avatar), mỗi cái tên (nickname) là thân phận một con người, là cuộc sống rất cần sự bình an của họ và gia đình - như bao  người bình thường khác. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng - đã từng là nạn nhân bị “ném đá” bộc bạch: Một xã hội có văn hóa không thể chấp nhận cách hành xử vô văn hóa như việc cạo đầu bôi vôi người ngoại tình rồi dẫn giải họ bêu xấu quanh làng xóm, phố phường. Ngày nay, xã hội không thể và không cho phép chặt tay kẻ ăn cắp, hay đấu tố người vi phạm pháp luật trước toàn thể cơ quan, trước khu phố, cộng đồng. Công lý không thể được thúc đẩy trước đám đông khi nạn nhân không thể lên tiếng, không thể giải thích, không có khả năng tự vệ, không có người bảo vệ. Đám đông cuồng nộ chỉ có thể tạo ra một thứ độc tài phi nhân tính, chứ không tạo ra sự công minh, thượng tôn pháp luật. 

Cư dân mạng cần chọn sự tỉnh táo, có trách nhiệm, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà hành xử có văn hóa, đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc mà ứng xử sao cho văn hóa và đạo đức, khi cần thì bày tỏ thái độ, lên tiếng sự việc có lý, có tình, có hậu - có lối ra cho người trong cuộc. Một công dân có văn hóa và đạo đức không thể cảm tính thả mình trôi theo thói vô trách nhiệm, nói cho sướng miệng, dạt dần về phía hư vô chủ nghĩa, bất chấp những hệ lụy xã hội khôn lường.

Cư dân mạng xã hội cần lắm sự ứng xử có văn hóa khi tham gia mạng xã hội, trước khi nói đến yếu tố pháp luật. Bởi Luật An ninh mạng 2018 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật sẽ điều chỉnh mọi hành vi thể hiện trên mạng xã hội.

TRIÊU DƯƠNG

;
.