Cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chủ Nhật, 27/01/2019, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này ở các cảng cá, làng chài, những chuyến biển cuối cùng đã cập bến để chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, các ngư dân cho biết, năm nay ăn Tết không mấy vui, bởi vì mùa đánh bắt quá nhiều khó khăn. Ngư trường cạn kiệt, giá dầu tăng cao, bạn ghe khó kiếm… đã khiến cho các chuyến đánh bắt liên tục thua lỗ. Một ngư dân ở Bình Châu (Xuyên Mộc) cho biết, 4 chuyến biển trong năm anh đã lỗ gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân là sản lượng cá đánh bắt thấp kỷ lục, chỉ bằng gần 50% so với trước do ngư trường cạn kiệt.

Ngư trường cạn kiện cũng là cụm từ được nhiều ngư dân nhắc tới nhiều nhất trong vòng 1 năm qua. Đặc biệt, cuối tháng 10-2018, đáng lẽ là thời điểm vào mùa đánh bắt phục vụ thị trường Tết Nguyên đán cũng như nguyên liệu cho vụ xuất khẩu đầu năm mới 2019, nhưng đã có hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ neo bến, không thể ra khơi vì thua lỗ. Tổng cục Thủy sản cũng đã chỉ ra tổng trữ lượng thủy sản tại các ngư trường chính của nước ta đang suy giảm nghiêm trọng, lượng thủy sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác chiếm khoảng 30%-40%, một số loài cá có giá trị kinh tế cao giờ đã không còn nhiều, thậm chí cạn kiệt. Trong khi đó, nguyên tắc không được phép khai thác quá 55% trữ lượng thủy sản cho từng vùng thì tàu cá của ngư dân đã khai thác trung bình 70-80%. Chẳng hạn một vùng biển có 300 con cá thì chỉ được phép khai thác 100 con, 100 con dành cho sinh sản và số còn lại là hao hụt tự nhiên. Nhưng hiện nay ngư dân đã khai thác khoảng 200 con trở lên. Sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Ở một số vùng biển có độ sâu dưới 30m, sản lượng đánh bắt đã vượt giới hạn cho phép. Khi nguồn lợi thủy sản suy giảm thì thời gian đánh bắt phải tăng lên và kéo theo chi phí cho mỗi chuyến biển cũng tăng lên. Đánh bắt không đủ bù chi phí, ngư dân không còn mặn mà với nghề biển cũng là điều dễ hiểu.

Cảnh báo từ Viện Hải dương học từ nhiều năm trước cho thấy, môi trường và nguồn lợi hải sản ở nhiều vùng suy giảm với tốc độ chóng mặt. Thế nhưng, các biện pháp ngăn chặn và tái tạo nguồn lợi không hiệu quả. Trong đó, việc đánh bắt bằng nghề giã cào thời gian qua cũng làm cho nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt.

Riêng tại BR-VT vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới giã cào, chiếm tỷ lệ 25% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, cần phải quyết liệt triển khai các giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh BR-VT công bố, đến giữa năm 2020, ngành thủy sản sẽ hoàn thành việc chuyển đổi nghề lưới kéo xa bờ sang nghề khác như lưới vây, lưới rê, chụp, câu, hiện đại hóa  đội tàu đánh bắt để chấm dứt loại hình khai thác thủy sản tận diệt này. BR-VT cũng sẽ triển khai đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và đưa ngư dân đi khai thác thí điểm ở một số nước mà Việt Nam có thỏa thuận hợp tác nghề cá như Brunei, Papua New Guinea và Micronesia. Các ngành chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các phương thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, giảm dần các nghề khai thác kém hiệu quả, không bền vững…

BR-VT đang chú trọng khai thác thế mạnh từ kinh tế biển, làm giàu từ biển, do đó việc cần làm ngay không chỉ tập trung cho hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ mà cần tăng cường quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của biển. Đồng thời, cần đưa việc vận động người dân, DN và cộng đồng xã hội tham gia tái tạo biển, làm sạch biển, ứng xử nhân văn hơn, thân thiện hơn với biển.

LAM GIANG

;
.