Xuân quê hương

Thứ Hai, 28/01/2019, 19:39 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, trường tồn của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền từ bao thế hệ của người Việt là nhà nhà, người người sum vầy - đoàn tụ. Dù đi đâu, ở bất cứ phương trời nào, gần hay xa cách ngàn vạn dặm, người Việt vẫn hướng về cội nguồn. Trừ lý do bất khả kháng, hầu hết mọi người đều hướng về nơi quê cha đất tổ, về bên bàn thờ tổ tiên, đốt lên một nén hương trầm tri ân các đấng sinh thành, tiên tổ, dòng tộc - nơi cội nguồn đã sinh thành, nuôi dưỡng mình nên người.

Mỗi độ Xuân về Tết đến, hàng chục ngàn kiều bào ta ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đổ về quê hương đoàn tụ gia đình, sum vầy bên mái ấm nguồn cội. 

Và hơn một phần ba thế kỷ đất nước đổi mới, thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hầu khắp các địa phương cả nước đều tổ chức “Xuân quê hương” tỏ bày những tình cảm đầy xúc động, nồng ấm tình nhà, tình quê - thấm đậm tình yêu Tổ quốc. BR-VT có hàng ngàn bà con kiều bào xa Tổ quốc; Tết Kỷ Hợi và các Tết cổ truyền trước, đông đảo bà con về quê vui Tết đón Xuân, sống sum vầy, đoàn tụ trong tình thương yêu nồng ấm của gia đình, bạn bè, người thân và quê hương.

Tại Hà Nội, cả ngày 26-1, nhằm ngày 21 tháng Chạp, hàng ngàn đại biểu kiều bào quây quần bên nhau, tham dự lễ hội “Thả cá chép” - tiễn ông Táo về trời, theo tục lễ cổ truyền. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng vui Xuân đón Tết với đại biểu bà con kiều bào. Chương trình “Xuân quê hương” tối 26-1 tại thủ đô Hà Nội thật đặc biệt, ngập tràn tình yêu quê hương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh trống khai hội Xuân Kỷ Hợi - 2019, nhắc lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”. Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Hiện nay, có 4,5 triệu kiều bào sinh sống, làm việc, học tập tại hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đó là nguồn lực kinh tế - kỹ thuật - chất xám lớn và quan trọng. Năm 2018, đất nước đã đón nhận hơn 16 tỉ USD kiều hối, tăng gần gấp 100 lần so với năm 1993; bà con kiều bào tham gia khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển, nâng cao đời sống người dân. Bà con kiều bào còn là nguồn lực chất xám dồi dào, tiếp cận kiến thức, khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới. Trung bình mỗi năm có 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia nhiều hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, sâu rộng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Kiều bào còn là những “đại sứ thân thiện” - chất xúc tác quan trọng, cầu nối đối với những thành công của hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…

“Xuân quê hương”  thật nhiều ý nghĩa cao đẹp và nồng ấm biết nhường nào. Bởi đó là nghĩa đồng bào, nghĩa máu thịt quê hương. Đó cũng là nét đẹp văn hóa đậm đà truyền thống và bản sắc dân tộc “người trong một nước thì thương nhau cùng”, có từ thời vua Hùng dựng nước, thời Bà Trưng, Bà Triệu và bao thế hệ về sau. Tất cả đã hun đúc nên một bản lĩnh, một sức mạnh Việt Nam!

“Xuân quê hương”  kết nối và tạo nên sức mạnh vô địch của một dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!

TRIÊU DƯƠNG

;
.