Cần có "sức đề kháng" tốt trước các thông tin độc hại

Thứ Sáu, 22/03/2019, 16:01 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 20-3 vừa qua, tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; luôn mong muốn phối hợp công tác tốt với Đoàn thanh niên, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ trẻ phát triển bản thân và đóng góp hữu ích cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ lãnh đạo cần quan tâm tới thanh niên, công tác Đoàn, thế hệ trẻ hơn nữa. Trong bối cảnh môi trường mạng, nhất là mạng xã hội có nhiều đối tượng bất mãn, suy thoái, lôi kéo thanh niên, có nhiều thông tin tiêu cực, bịa đặt, làm ảnh hưởng đến niềm tin của thanh niên thì Đoàn có sứ mệnh lớn lao để làm sao thanh niên có “sức đề kháng” tốt trước những vấn đề này.

Với tỷ lệ hơn 60% dân số sử dụng Internet, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng các trang mạng xã hội. Trong đó, thanh, thiếu niên ở nước ta là đối tượng sử dụng Internet và các mạng xã hội đông đảo và thường xuyên nhất, với hơn 80% đoàn viên, thanh niên vào mạng hàng ngày, phổ biến nhất là  Facebook, YouTube, Zalo, Twitter, Snapchat…. Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần xóa bỏ các rào cản giao tiếp, giúp người sử dụng có thêm các công cụ để chia sẽ thông tin, cập nhật kiến thức. Trong nhiều trường hợp, truyền thông xã hội còn là phương tiện hữu ích để thể hiện cảm xúc, chia sẻ suy nghĩ, gắn kết các mối quan hệ.
 
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội đã và đang dùng mọi thủ đoạn, triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán những thông tin xấu, độc hại. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn thực hiện các phương thức bóp méo sự thật, tạo tâm lý tò mò, gây hiệu ứng đám đông. Qua đó, kích động giới trẻ trao đổi, thu nhận thông tin, bày tỏ quan điểm cực đoan, gieo rắc sự hoài nghi, sự bi quan và chán nản dẫn đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ. Sự nham hiểm ở chỗ, chúng âm thầm thông qua mạng xã hội để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lớp trẻ. Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có những câu chuyện đau lòng về các bạn trẻ “dính bẫy” các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội trên mạng xã hội.
 
Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn có sứ mệnh lớn lao để làm sao thanh niên có “sức đề kháng” tốt trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng Internet chống phá nước ta, lại càng có thêm nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, ĐVTN cần phải xác định đúng trách nhiệm của mình, sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, phát huy được thế mạnh của Internet trong thời đại công nghiệp 4.0 vào việc nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp của mình. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc sự thật và càng không nên tự biến mình thành nhân tố vô thức sao chép, nhân bản những thông tin giật gân chưa được kiểm chứng.
 
Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017-2022 cũng đã nêu rõ, Đoàn cần tập hợp giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy và thúc đẩy ĐVTN lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định niềm tin đối với Đảng, với chế độ. Trong giai đoạn hiện nay, để làm tốt sứ mệnh của mình, có “sức đề kháng” tốt trước những thông tin xấu, độc hại đối với thế hệ trẻ, Đoàn thanh niên các cấp cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng và xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho ĐVTN. Đồng thời, thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể, gắn với chương trình hành động cách mạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng để lôi cuốn, hấp dẫn thanh niên tham gia. Tích cực mở các lớp bồi dưỡng văn hóa, nâng cao nhận thức và kỹ năng tham gia mạng xã hội cho cán bộ, ĐVTN. Tăng cường thực hiện các hình thức tương tác trên mạng xã hội với thanh niên, chia sẽ những thông tin tích cực, câu chuyện hay, việc làm tốt để tạo sức lan tỏa rộng rãi, từ đó hạn chế và đẩy lùi sự lan truyền những thông tin xấu, độc hại trên các mạng xã hội.
 
HOÀNG LÊ 
 
 
;
.