Không chỉ là câu chuyện chọn thực phẩm thay thế

Chủ Nhật, 24/03/2019, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Chúng ta lại nói về nỗi sợ hãi đối với thực phẩm không vệ sinh, không an toàn. Vấn đề rất cũ, chỉ câu chuyện là mới với cái tên dịch tả heo châu Phi và nghi án thịt heo nhiễm sán ở trường mầm non. Sự quan tâm và mức phản ứng của dư luận với câu chuyện này cho thấy mọi người không thể làm quen đến mức trơ lỳ với nỗi sợ hãi “tưởng chừng đã cũ” với thực phẩm bẩn.

Nhưng, chúng ta còn “sống trong sợ hãi” như thế đến bao giờ?

Tôi mới đọc một bài báo, trong đó nói nhà nước phải tổ chức kiểm dịch gắt gao tại các cửa khẩu để chống sự xâm nhập của mầm bệnh trên người, trên động vật và thực vật mang từ nước ngoài vào Việt Nam - như bệnh tả heo châu Phi. Tác giả kể hải quan các nước Mỹ, Úc, Nhật, New Zealand, Đài Loan, Đức và nhiều nước châu Âu… soi xét rất nghiêm, bắt tiêu hủy, phạt tiền, thậm chí phạt tù những người vi phạm lệnh cấm mang theo các loại thực phẩm, dù chỉ là quả táo hay ổ bánh mì, vì cho rằng những thứ này có thể mang mầm bệnh vào làm cho người dân hoặc một ngành kinh tế của nước họ bị nhiễm bệnh và dẫn đến những thiệt hại to lớn. Trong khi đó, người nhập cảnh vào Việt Nam mang theo những thứ tương tự rất dễ dàng, không phải kê khai, không bị mở ra kiểm tra nếu như khối lượng không phải là lớn.  

Phía dưới bài báo có các ý kiến bình luận. Nhiều người ủng hộ tác giả, nhưng cũng không ít người nói nếu Việt Nam làm gắt giống như những nước tiên tiến thì người ta khó chịu, không đến nước mình nữa, ngành du lịch sẽ thất thu. Hoặc đã “mở cửa” thì cũng phải chấp nhận “vài cơn gió độc”. Hoặc thực phẩm của các nước là sạch rồi, không phải lo. Hoặc có chút quà mang từ nước ngoài về cho người thân trong nước, làm gì mà khó khăn vậy. Hoặc hải quan với kiểm dịch lấy nhân lực và phương tiện đâu ra mà làm cho xuể?…

Tuy chỉ là các phản hồi trong phạm vi một bài báo, nhưng qua đó chúng ta cũng thấy một bộ phận trong xã hội chưa sẵn sàng về tâm thế và nhận thức để siết chặt các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh từ nguồn thực phẩm không an toàn qua đường cửa khẩu. Đó là một lý do tự ta đặt ta vào tình cảnh phải sống với các nguy cơ tiềm ẩn về thực phẩm bẩn. 

Với thực phẩm bẩn trong nước, cách ứng xử có nghiêm khắc hơn. Ngay các bà nội trợ bình thường, lớn tuổi cũng học cách sử dụng thực phẩm an toàn. Hôm nọ nhà tôi đi Co.op Mart Vũng Tàu, thấy đông người mua thịt heo ở đây; cô phụ trách quầy vui vẻ cho biết, cứ khi có dịch bệnh heo, gà là chúng cháu bán được rất nhiều hàng, các bà các cô đổ vào đây mua thịt cho yên tâm là hàng sạch. Nhiều gia đình tận dụng sân thượng, đất trống quanh nhà để trồng rau an toàn. Đã ra đời nhiều cơ sở dịch vụ bán vật liệu, giống cây để làm một vườn rau sạch tại gia với giá đầu tư hàng chục triệu đồng. 

Nhưng, từ những tiến bộ về nhận thức của xã hội đến các hành động đồng bộ, hiệu quả để đồng thuận chống thực phẩm bẩn vẫn còn là khoảng cách xa. Chẳng hạn,  các biện pháp quản lý xuất xứ thực phẩm, như đeo thẻ truy xuất nguồn gốc thịt heo, chưa phải đã triển khai được suôn sẻ. Những vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm ôi thiu, các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể vẫn xảy ra. Việc đăng ký nhãn hiệu, chất lượng hàng hoá và kiểm tra sự tuân thủ tiêu chuẩn đã đăng ký còn rất lỏng. Cơ quan chức năng (như quản lý thị trường, thú y…) không đủ sức kiểm soát tình hình. Pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, thiếu hiệu lực. 

Cho nên, với câu hỏi nêu trên, rằng chúng ta còn “sống  trong sợ hãi” với nạn thực phẩm bẩn đến bao giờ, câu trả lời theo tôi nghĩ là phải có thêm thời gian. Những nước tiên tiến, với tiêu chuẩn cao và quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, cũng không phải ngay từ đầu họ đã tiến bộ như vậy. Cần có thời gian, để mỗi người chúng ta tự nâng cao nhận thức và sự đồng thuận đối với việc chống nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn. Cần có thời gian để tùy hoàn cảnh cụ thể, từ người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng đến nhà quản lý, cán bộ công chức, viên chức… mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp vào việc đưa nền sản xuất và cung cấp thực phẩm trong nước tiến bộ lên trình độ cao hơn; hoàn chỉnh các quy định pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm; tổ chức lực lượng và biện pháp thực hiện…

HẢI THANH

;
.