Nghĩ về văn hóa tâm linh

Thứ Sáu, 29/03/2019, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Đại Từ điển tiếng Việt đã định nghĩa về tâm linh, coi tâm linh là khả năng cảm nhận, đoán định một cách khoa học, hợp lý trước các biến cố tốt và không tốt có thể xẩy ra với mình. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu luận bàn sự tồn tại đáng ghi nhận về văn hóa tâm linh ở các quốc gia phương Đông. Rằng, tâm linh là điều có thật trong ý niệm, quan niệm, cần hướng nó đến sự tốt đẹp, trong sáng, cho con người, vì con người.

Tại Việt Nam, đất nước có số đông dân cư chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều cộng đồng dân cư coi trọng yếu tố tâm linh trong đời sống. Ở nước ta, đạo Phật là tôn giáo có truyền thống lâu đời, yêu nước, trọng dân, nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo trở thành đạo đức phổ quát trong dân gian. Dân gian có các khái niệm về đạo Phật của mình; khái niệm đó đã đi vào tâm thức của số đông trong ý niệm về tâm linh. Nói đến tâm linh, người ta nói đến sự linh thiêng về trời đất, cõi phật, kiếp người; có thứ tâm linh trong sáng, tích cực hướng đến sự tốt đẹp của tâm hồn và tâm linh tiêu cực, không trong sáng, hướng đến sự vụ lợi, bóp méo cái đẹp. Ở hiền gặp lành, hãy cho nhiều hơn nhận, cho không nghĩ đến việc mình sẽ nhận lại gì - giúp đỡ người là giúp đỡ chính mình; làm nhiều điều thiện, việc thiện, cái thiện sẽ đến với mình, với con cháu mình. Đó là những triết lý cuộc sống đã được tổng kết, trở thành nét đẹp văn hóa mang màu sắc tâm linh rất đáng ghi nhận trong văn hóa Việt, của người Việt.

Nhiều tuần lễ đã qua, câu chuyện vụ lợi, kiếm chác, phi văn hóa tại chùa Ba Vàng ở TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, bởi sự bóp méo văn hóa tâm linh, có dấu hiệu vụ lợi của người trụ trì chùa; bởi sự rao giảng cái gọi là “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ”, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu; “dâng sao giải hạn”, gọi vong, nhập hồn, phá số kiếp; người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền và bằng nhiều tiền. Điều này, hoàn toàn không có trong giáo lý Phật giáo, mà nó lại diễn ra ở chùa Ba Vàng (và một số nơi khác, mức độ khác nhau) đầy chất mê tín dị đoan, phản khoa học, thậm chí xúc phạm đến nhân thân các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân; người ta phán bừa, xúc phạm đến vong linh của những người vô tội mà phận đời kém may mắn, oan khuất. Những người trụ trì cho “cúng oan gia trái chủ” để từ đó mà đưa ra những đòi hỏi vô lý, thậm chí ép buộc, đe dọa về cúng tiền, đòi tiền công đức vô lối, rằng “cúng oan gia trái chủ mà không nộp tiền, nộp ít tiền… sẽ bị… trừng phạt…”.

Trụ trì chùa Ba Vàng đã “qua mặt” chính quyền sở tại và buộc phải chấm dứt cúng oan gia trái chủ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng hoạt động tại chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Quyết định tạm đình chỉ các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, người trụ trì chùa Ba Vàng.

Văn hóa tâm linh, tự nó đang tồn tại tốt đẹp trong tâm thức hàng triệu người Việt. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt” là câu nói cửa miệng tồn tại bao đời nay trong dân gian. Chùa tồn tại khắp mọi nơi, chốn linh thiêng, chùa là của làng, của người dân, của cộng đồng. Chúng ta lên án những hành vi trục lợi của ai đó, biến chùa thành của riêng mình. Với người dân trọng văn hóa tâm linh, theo nghĩa tích cực, trong sáng - cùng sự trợ giúp của chính quyền, cơ quan Nhà nước quản lý văn hóa, của tổ chức Giáo hội đúng nghĩa, cần nhận thức đúng cái đẹp, cái hướng thiện, tích cực của văn hóa tâm linh.

Trên đất nước tươi đẹp của chúng ta, còn đâu kiểu hoạt động mê tín sai trái, không chuẩn mực văn hóa và trục lợi như chùa Ba Vàng, cần được phát hiện, phê phán, điều chỉnh, để cái đẹp, cái hay, cái văn hóa chuẩn mực luôn luôn đẹp, lung linh, tỏa sáng.

HẢI VÂN

;
.