"Phải sửa cho dân nhờ!"

Thứ Ba, 26/03/2019, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

“Thực hiện đúng pháp luật nhưng quy định nào không hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ!”. Tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu như vậy sau khi nghe các bộ trưởng trả lời chất vấn về các vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu ra, trong đó nổi lên 2 vấn đề “nóng” là chuyện đổi 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng và chuyện dự thảo quy định HS, SV bán dâm 4 lần mới bị đuổi học.

Yêu cầu đó của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - một lần nữa lại được các cơ quan truyền thông nhắc lại khi một người đàn ông dùng vũ lực cưỡng hôn một nữ SV trong thang máy chung cư Golden Palm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Một mức phạt rất “đúng quy định” nhưng đã lỗi thời, gây bức xúc trong dư luận. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh Nghị định 167/2013/NĐ-CP như đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đánh giá đã vô tình biến pháp luật thành trò đùa, sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người, còn Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thì yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa quy định cho phù hợp với thực tiễn, đủ sức răn đe các hành vi tương tự.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận nóng lên với những quy định “khó hiểu” như vậy. Nhiều vụ việc gần đây cho thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật không còn phù hợp với đời sống thực tiễn, đã phải dừng hoặc bị hủy bỏ. Chẳng hạn như quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ghi tên các thành viên hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã “chết yểu” ngay khi chưa có hiệu lực thi hành, Qui định viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; Qui định cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 300C; Nhà hàng chỉ được tổ chức tiệc cưới khi có giấy kết hôn, hoặc như mới đây là đề xuất “tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại” nhằm tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3.v.v…

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều văn bản pháp luật ở nước ta có vòng đời ngắn, thiếu tính khả thi, mới ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế; Không ít văn bản không phù hợp với thực tiễn, xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật, dẫn đến việc nhờn luật. Nổi cộm lên trong số đó là do đội ngũ soạn thảo pháp luật thiếu chuyên nghiệp, xây dựng chính sách nhiều lúc chỉ nhìn trên lý thuyết, thiếu chất liệu cuộc sống, dẫn đến việc đưa ra các quy định xa rời thực tế. Đó là chưa nói đến việc một số bộ ngành cố lồng quyền lợi của bộ, ngành mình vào, đẩy cái khó về phía người dân.

Pháp luật bất hợp lý, lỗi thời thì phải sửa và phải sửa nhanh cho dân nhờ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý. Nhưng, sẽ hợp lý và đỡ vất vả hơn rất nhiều nếu như ngay từ đầu các văn bản pháp luật được xây dựng sát sườn với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan cuộc sống, tổ chức điều tra thăm dò dư luận một cách khoa học để cơ quan quản lý nắm được ý nguyện của người dân - đối tượng sẽ thực hiện chính sách và ý kiến của các nhà chuyên môn, nâng cao chất lượng của công tác đánh giá tác động của chính sách. Với cách làm đó, có nhiều khả năng chính sách sẽ đúng ngay từ đầu, tính khả thi cao, đỡ phải loay hoay sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tất nhiên, cách làm đó chỉ mới nói lên qui trình biên soạn chính sách, vấn đề cốt lõi là các bộ, ngành phải nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng pháp luật cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành; Bộ Tư pháp tăng cường việc kiểm tra các thông tư của các bộ, ngành, địa phương, kịp thời phát hiện và “tuýt còi” các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống.

“Tuổi thọ” của các văn bản pháp luật ở nước ta sẽ cao hơn, không phải sửa đổi, bổ sung, thay thế nếu như các cơ quan quản lý đẩy mạnh các hoạt động “tiếp thị” đưa cuộc sống vào chính sách. Chỉ khi nào chúng ta đưa được cuộc sống vào chính sách thì khi ấy chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.