Gỡ "vướng" cho dạy bơi, học bơi

Chủ Nhật, 07/04/2019, 16:48 [GMT+7]
In bài này
.

Việc dạy bơi, học bơi trong nhà trường phổ thông đang được giới truyền thông trong nước “hâm nóng” trở lại khi trong tuần qua liên tiếp xảy ra 2 vụ học sinh chết đuối hết sức thương tâm. 

Tại tỉnh Hòa Bình, thảm kịch xảy ra khi 10 học sinh Trường TH  và THCS Hữu Nghị rủ nhau ra bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình tắm. Bị hụt chân, chỉ có 2 em bơi được lên bờ, 8 em còn lại tử vong. 

Tại tỉnh Đắk Nông, 6 học sinh cùng lớp đến nhà một người bạn ở huyện Krông Nô chơi. Tại đây, nhóm học sinh rủ nhau ra hồ nước tắm. Do không biết bơi nên 2 em ngồi chơi trên bãi đá nhưng không may cả 2 trượt chân, rơi xuống hồ nước sâu. Thấy vậy, 2 em học sinh trong nhóm biết bơi nhảy xuống cứu được 1 bạn, riêng em L. bị chìm và tử vong. 

Đuối nước là vấn nạn đáng lo ngại ở Việt Nam. Thống kê của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có gần 4.000 trẻ em chết do đuối nước, trung bình 10 em tử vong/ngày, cao nhất so với các nước trong khu vực. 

Tại BR-VT, từ năm 2012 đến nay có gần 60 em tử vong do đuối nước. Khoảng 80% các em bị đuối nước do trượt chân xuống hố sâu hoặc đi tắm ở các bãi tắm tự phát. Nguyên nhân là do thiếu sự giám sát, nhắc nhở của cha mẹ; Nhiều trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Sốt ruột về tình trạng trẻ em đuối nước ngày mỗi tăng, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên sớm đưa môn bơi là môn có tính bắt buộc ở trong các trường phổ thông vì bơi không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là một môn rèn luyện thể chất hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe người Việt. Đại biểu Dương Trung Quốc còn cho rằng, phải cụ thể hóa trong luật những quy định bắt buộc để dạy bơi cho học sinh, ví dụ phải biết bơi mới được thi đại học. Về phần mình, Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên chỉ đạo các sở GD-ĐT, đặc biệt quan tâm đến công tác dạy bơi cho học sinh. Vậy nhưng tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể trong khi ngày càng có thêm nhiều vụ chết đuối xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng trăm học sinh từ bậc TH đến bậc THPT. Điều đáng nói là tai nạn thương tâm không chỉ xảy ra ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, miền Trung mà còn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà nhiều trẻ em đã quá quen thuộc với cảnh sông nước. Một vài vụ xảy ra gần đây cho thấy khi chìm đò, lật thuyền hoặc té sông, các em đã không tự cứu được mình mà nguyên nhân chính là do không biết bơi…

Ngành giáo dục khẳng định dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em và để việc dạy bơi, học bơi có hiệu quả thì một trong những yêu cầu đầu tiên là các trường cần phải có bể bơi đạt chuẩn. Thế nhưng theo khảo sát, hiện cả nước chỉ có 0,4-0,6% trường là có hồ bơi; có tỉnh hoàn toàn “trắng” về bể bơi. Lý do là không có kinh phí. Một khó khăn khác là thiếu giáo viên dạy bơi. Không phải trường nào cũng có giáo viên thể dục và không phải ai cũng được đào tạo về bơi lội để có thể dạy học sinh bơi. Tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy có điều kiện hơn các tỉnh, thành khác nhưng cũng “lực bất tòng tâm”, còn nếu đưa học sinh đi bơi ở bể bơi công cộng cũng không khả thi.  

Đúng là hiện nay chỉ mình ngành giáo dục thì không thể lo nổi việc dạy bơi cho học sinh vì không có kinh phí và nguồn lực để thực hiện việc này. Nhưng không vì vậy việc dạy bơi bị bế tắc. Đã có nhiều nơi thực hiện tốt việc dạy bơi bằng mô hình xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây bể bơi để dạy bơi cho học sinh. Chỉ cần chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh có sự quyết tâm cao thì dù khó khăn đến mấy việc dạy bơi cho học sinh cũng sẽ thực hiện được và tin chắc số trẻ tử vong do đuối nước hàng năm sẽ giảm đi nhiều. 

Về phía phụ huynh học sinh, ngoài việc thường xuyên giám sát, nhắc nhở con em có ý thức phòng, tránh đuối nước, nên tạo điều kiện và khuyến khích các cháu tham gia các lớp học bơi, không nên trông chờ hay phó mặc cho nhà trường. Vào những ngày nghỉ, nên đưa con em mình đến các hồ bơi của trung tâm thể thao để được các huấn luyện viên hướng dẫn kỹ thuật bơi lội. Việc học bơi sẽ giúp các cháu biết cách xử lý những sự cố có thể xảy ra trong môi trường sông nước, biết cách tự bảo vệ mình.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.