"Im lặng là đồng ý"

Chủ Nhật, 21/04/2019, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành yêu cầu chấn chỉnh tình trạng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) quá hạn. Theo đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải công khai xin lỗi, thông báo lý do hồ sơ quá hạn của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… chưa được giải quyết, cam kết không để tình trạng trên xảy ra trong thời gian tới. Cá nhân, đơn vị nào tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm giải quyết hồ sơ sẽ bị xử lý nghiêm khắc. 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có gần 4.000 hồ sơ quá hạn. 

Không chỉ ở Thanh Hóa, tình trạng “ngâm” hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân còn có thể thấy ở nhiều địa phương khác. Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh có kể trường hợp một doanh nghiệp bị “ngâm” hồ sơ tới 1 năm rưỡi để nhắc nhở cán bộ các sở, ngành trong việc giải quyết hồ sơ của dân. “Tôi thấy khổ tâm quá, được hay không được phải trả lời ngay cho người ta”,  ông Phong nói. 

Tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Trong khi ở quận, huyện, sở, ngành tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn bình quân đạt 99,6%, thì tại Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh lại không công bố thời hạn giải quyết hồ sơ đúng hạn. Nhiều quận, huyện gửi văn bản lên văn phòng ủy ban rất lâu nhưng không nhận được phản hồi…

Với doanh nghiệp, người dân, sự im lặng đó quả thật đáng sợ!

Thời gian qua, mặc dù đã có Nghị định 92 về kiểm soát TTHC song trên thực tế, vẫn còn rất nhiều TTHC được ban hành mà không rõ về thời gian xử lý, thành phần hồ sơ, tiêu chí cho phép/không cho phép. Chính vì vậy khi đề xuất và trực tiếp xây dựng dự thảo Luật Hành chính công và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã đề xuất áp dụng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” trong khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp, người dân (Nguyên tắc im lặng là đồng ý là khi cơ quan Nhà nước chậm trả lời thì coi như đồng ý với tổ chức). Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rút dự án Luật Hành chính công khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do cần có sự chuẩn bị, đầu tư nhiều hơn nữa vì tính cụ thể, tính khả thi của dự luật như hiện nay chưa đạt yêu cầu, nhưng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” nêu trong dự thảo được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao, có thể tham khảo sử dụng trong cải cách hành chính, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật chuyên ngành. 

Chúng ta đều biết việc ban hành các TTHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân chứ không phải từ nhu cầu quản lý dễ hơn của cơ quan công quyền. Xây dựng TTHC là để người dân dễ thực thi các quyền của mình. Ví dụ, người dân đương nhiên được xây nhà nếu sau 1 tuần gửi hồ sơ mà không có ý kiến (im lặng) của cơ quan chức năng. Thủ tục ở đây là chỉ dấu bưu điện hoặc giấy biên nhận của văn thư để xác định từ lúc gửi đơn đã đủ thời hạn 7 ngày. Nếu cơ quan quản lý không đồng ý cho phép xây dựng thì phải phản ứng trong thời hạn 7 ngày đó và phải nêu được lý do hợp pháp vì sao không đồng ý. Thủ tục cũng không nên dừng lại ở đây, mà cần quy định rõ trong trường hợp cơ quan quản lý từ chối, thì người dân sẽ bảo vệ quyền của mình như thế nào, nếu kiện ra tòa thì thủ tục tiếp theo sẽ ra sao. 

Từ cách tiếp cận vừa nêu, rõ ràng nếu nguyên tắc “im lặng là vàng” được áp dụng rộng rãi trong TTHC, nó sẽ trở thành “nguyên tắc vàng”,  rất thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Sự “im lặng” ở đây không phải là để gây khó khăn, nhũng nhiễu mà để căn cứ vào đó người dân và doanh nghiệp đẩy nhanh các công việc có liên quan đến TTHC của mình. Hơn nữa, xét theo góc độ người dân được làm những gì pháp luật không cấm, thì nguyên tắc “im lặng là đồng ý” phải đương nhiên được áp dụng rộng rãi chứ không chỉ ở mức khuyến khích. 

Khi nguyên tắc “im lặng là đồng ý” được áp dụng trong thực tế, tin chắc “sự im lặng đáng sợ” trong giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp, người dân sẽ bị phá vỡ và những cơ hội để phát sinh tiêu cực sẽ được giảm thiểu rất nhiều. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.