Bài học từ cháy rừng

Thứ Tư, 03/07/2019, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.
Thế giới đã chứng kiến nhiều vụ cháy rừng dữ dội, kéo dài hàng tuần, thiêu rụi cả trăm, ngàn ha rừng thẳm, để lại bao thảm khốc. Bụi than từ ngọn lửa bay xa cả ngàn km. Nhiều quốc gia phát triển huy động tổng lực sức người và phương tiện hiện đại dập lửa cứu rừng. 

Tháng 6/2019, khu vực Bắc miền Trung Việt Nam chịu sự khốc liệt của thời tiết, nền nhiệt nhiều ngày liền từ 38 đến hơn 40 độ C, nắng nóng, gió Tây khô khốc thổi về, chỉ từ 1 đốm lửa nhỏ, nhiều khu rừng ở miền Trung bốc cháy dữ dội. Điển hình là vụ cháy - thiêu rụi hơn 50ha rừng thông, rừng trồng keo - tràm tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quân khu IV huy động hơn 15.000 người cứu rừng suốt 3 ngày đêm, từ trưa 28 đến chiều 30/6. Các đơn vị quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, nhân dân thức trắng đêm dập lửa, nhưng do thời tiết khô nóng, gió to, nên lửa tắt rồi lại bùng lên, rừng vẫn bị thiêu rụi. Tuần đầu tháng 7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 2, miền Bắc, miền Trung mưa rất to, mới chặn được ngọn lửa bùng phát lại. 

Trong 4 ngày, Hà Tĩnh có 11 vụ cháy rừng ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Kỳ Anh, thiêu rụi nhiều ha rừng thông và keo tràm. Nếu tính từ Thanh Hóa trở vào đến Thừa Thiên Huế, Phú Yên… cùng thời điểm đã có hơn 20 điểm cháy rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong các vụ dập lửa cứu rừng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng dũng cảm, bỏ lại sau lưng cái nắng nóng gay gắt, không ăn không ngủ, lao vào lửa cứu rừng. Cô giáo dạy Anh văn, trường chuyên Hà Tĩnh xúc động trước tinh thần hy sinh quên mình của lực lượng vượt núi cao dập lửa:

“… Rừng lại cháy, lửa bạo tàn ngang ngược

Lội suối, trèo non, mình anh đầy vết xước

Da sạm đen, tóc bết lấm tro tàn”. 

“Khao khát trời mang đến những cơn dông

Rừng hết cằn khô, hồi sinh từ đất trọc

Để anh của em vơi phần khó nhọc

Lại bình yên bên em nghe khúc hát rừng xanh!”

Việt Nam không chỉ là quốc gia biển mà còn là quốc gia rừng. Rừng vàng, biển bạc - rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Luật bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đã có; các quy định bảo vệ rừng dưới dạng Nghị định, Thông tư, Chỉ thị… cũng đã được Chính phủ ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, mùa hanh khô, nạn cháy rừng vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi. Những bài học về phòng, chống cháy rừng vẫn nguyên vẹn, mang tính thời sự cao. Qua vụ cháy rừng ở Hà tĩnh và các địa phương khác, bài học cần được tổng kết, nhắc nhở. Đó là ý thức phòng cháy, bảo vệ rừng của người dân, của cộng đồng chưa đầy đủ, lơ là, chủ quan. Đã từng có những vụ việc nhói lòng, khi người dân vào rừng lấy mật ong làm cháy rừng tràm ở U Minh. Trong vụ cháy rừng vừa xảy ra tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam một người tại xã Xuân Hồng, do đốt dọn cỏ trong vườn, nắng nóng, gió to làm bén lửa bùng cháy cả khu rừng quý, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cần được tập huấn tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ phát hiện nguy cơ các vụ hỏa hoạn cháy rừng. Chính quyền địa phương, vùng có diện tích rừng lớn cần quan tâm đúng mức trách nhiệm phòng chống cháy, bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có giải pháp thích ứng phòng, chống cháy hiệu quả. Không quy hoạch khu dân cư, điểm tiêu thụ xăng dầu gần rừng. 

Các đơn vị quân đội, công an, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện, người dân cần được huấn luyện tác chiến khi hỏa hoạn rừng xảy ra; cần được trang bị các phương tiện chống cháy rừng hiện đại, có sức mạnh vượt trội dập lửa. Diễn tập dập lửa phòng, chống cháy rừng nơi rừng sâu, dốc cao, vực thẳm cần được chính quyền các cấp, các đơn vị bảo vệ rừng chuyên trách quan tâm đúng mức.

BR-VT có diện tích rừng tự nhiên không nhỏ, với những khu rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ… hàng trăm ha. Rừng BR-VT không chỉ là “lá phổi” của môi trường mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn. Bài học phòng, chống cháy rừng ở các địa phương cũng như ở BR-VT luôn nóng hổi, nguyên vẹn giá trị, tính thời sự.

HẢI VÂN
;
.