Đón đầu các xu hướng mới trong du lịch

Thứ Hai, 26/08/2019, 08:45 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc hội thảo “Xu hướng phát triển du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt” do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 20/8 vừa qua, có một thông tin đáng chú ý. Đó là: Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Nếu năm 2015, Việt Nam mới đón được 8 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2018 đã đón 15,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần gấp đôi.

Du lịch tăng trưởng là điều đáng mừng, tuy nhiên, để ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng, chúng ta không thể không tính đến những dự báo về xu hướng mới của du lịch thế giới được nêu ra tại hội thảo. Theo đó, các chuyên gia du lịch trong và ngoài nước đều có chung nhận định, ngành du lịch thế giới đang phát triển nhiều xu hướng du lịch khác nhau: tour tự thiết kế, tour cao cấp, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại… Khách du lịch có xu hướng quan tâm đến chất lượng trải nghiệm, đặc biệt là các giá trị về văn hóa truyền thống đặc sắc, môi trường sinh thái nguyên sơ. Sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội làm cho kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, kéo theo dòng khách tự túc ngày càng tăng mạnh. Theo dự báo, nhu cầu đi du lịch đang tăng lên ở nhóm đối tượng đã nghỉ hưu, do đây là những đối tượng vừa có tài chính, vừa có nhiều thời gian. Nhiều nhu cầu mới được hình thành, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, trải nghiệm những tiện nghi hiện đại, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm; du lịch hàng không, tàu biển phát triển mạnh; du lịch thông minh tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh thông qua việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu. Tiêu dùng du lịch được chuyển hướng từ tiền mặt sang thanh toán thẻ qua việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Đặc biệt, loại hình du lịch SAVE Tourism (Scientific, Academic, Volunteer, Education tourism) gắn với Khoa học, Học thuật, Tình nguyện và Giáo dục đang được nhiều nước khuyến khích phát triển. Dòng khách này là những người có kinh tế, kiến thức, học thuật, tâm huyết (bao gồm sinh viên tình nguyện) có nhu cầu đóng góp công sức, tiền bạc và trí tuệ cho các điểm đến, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, SAVE Tourism được khuyến khích phát triển và đưa vào chương trình hành động phát triển du lịch quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Nam Phi…

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, những xu hướng mới trong du lịch chắc chắn đã và sẽ có tác động đến ngành du lịch Việt Nam trong tương lai gần. Nắm bắt xu thế là điều cần thiết, từ đó, các nhà hoạch định chính sách xây dựng, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những vùng trọng điểm du lịch của quốc gia và du lịch là một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những năm qua, ngành du lịch của tỉnh đã đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, chỉ tính riêng trong năm 2018 tổng thu từ du lịch đạt 14.248 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh vẫn còn có không ít lực cản cho sự phát triển: lượt khách đến tăng nhưng doanh thu du lịch, nộp ngân sách, số lượng khách lưu trú và thời gian lưu trú của khách vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành khác; Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa tạo được nét đặc thù riêng của địa phương để cạnh tranh với các tỉnh thành bạn; Thiếu các khu tổ hợp du lịch lớn, nổi tiếng, đa dạng; Các thủ tục, chính sách về đầu tư, đất đai vẫn còn tồn tại những khó khăn và bất cập dẫn đến việc khó thu hút được các nhà đầu tư vào các dự án du lịch quy mô lớn trên địa bàn tỉnh; Nhiều dự án du lịch còn chậm triển khai hoặc triển khai kéo dài, không hiệu quả; Hệ thống các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn đặc biệt là hệ thống các doanh nghiệp lữ hành; Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch chưa được lan tỏa cũng như tiếp cận được thị trường khách quốc tế một cách rộng rãi…

Để du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển xứng với tiềm năng, ngành du lịch cần phải có những giải pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đồng thời, trên cơ sở tiềm năng sẵn có và nắm chắc những xu hướng phát triển mới của du lịch thế giới, ngành du lịch cần tập trung đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, không chỉ mở rộng quy mô, gia tăng số lượng, đa dạng loại hình mà phải tăng cường chất lượng và đẳng cấp; ưu tiên phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; tăng cường công tác xúc tiến du lịch ra nước ngoài, nhất là đối tượng người nghỉ hưu; Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án du lịch có tầm cỡ quốc tế.

YẾN NHI

;
.