Lấy sức dân để lo cho dân

Thứ Sáu, 23/08/2019, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Xuân Viên và Tiên Điền, thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Cuối năm 2018, Nghi Xuân được công nhận huyện NTM của tỉnh Hà Tĩnh. Xác định xây dựng NTM là thời cơ, nhiệm vụ để xây dựng huyện nhà phát triển bền vững, trong những năm qua, Nghi Xuân đã tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình; lấy người dân là chủ thể của công cuộc xây dựng NTM, bằng những việc làm cụ thể, bắt đầu từ thôn đến xã, ưu tiên thực hiện những việc liên quan đến lợi ích trực tiếp, thiết thực của người dân, để phong trào xây dựng NTM thật sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân... Nhờ đó, huyện Nghi Xuân đã có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt NTM có nhiều khởi sắc, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ đạt chuẩn. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã đạt NTM và duy trì hiệu quả cho đến nay, trong đó đặc biệt có 2 xã Xuân Viên và Tiên Điền, là hình mẫu cho nhiều địa phương khác trong cả nước đến tham quan, học tập. 

Dẫn chúng tôi đi dọc con đường bê tông liên xóm, ông Ngùy Khắc Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên tự hào: Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nếu thực hiện tốt chương trình này sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho nhân dân. Vì thế, phải lấy sức dân để lo cho dân. Việc xây dựng NTM được địa phương triển khai đồng bộ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, điều đặc biệt là người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, người dân quyết định các hạng mục đầu tư thiết yếu và người dân chung tay đóng góp vốn xây dựng. 

Tham quan trụ sở Nhà Văn hóa thôn Phong Giang, xã Tiên Điền mới thấy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Nhà Văn hóa đã được nhân dân đóng góp vốn với số tiền khoảng 700 triệu đồng, xây dựng cách đây hơn 7 năm. Điều ấn tượng nhất của chúng tôi là sự gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ của Nhà Văn hóa, việc bày trí rất đẹp, trong sân Nhà Văn hóa có sân bóng chuyền, cầu lông, sân khấu ngoài trời và các dụng cụ phục vụ luyện tập thể dục thể thao và biểu diễn, giao lưu văn nghệ của nhân dân trong thôn. 

Được biết, để về đích NTM, chính quyền đã phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tất cả mọi sự huy động của người dân đều được công khai, quản lý theo quy định, sự đóng góp của người dân là vai trò quyết định trong xây dựng NTM, tiếp xúc với người dân các xã, bà con rất phấn khởi trong xây dựng NTM, dù đóng góp số tiền lớn so với thu nhập (bình quân mỗi nhân khẩu đóng góp khoảng 5 triệu đồng) nhưng người dân vui sướng vì đó là trách nhiệm và phục vụ chính gia đình họ và cho cộng đồng. 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu xây dựng NTM là: “Xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại”. Quán triệt Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa X) ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 đã nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng NTM. Nghị quyết khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 26-NQ/TW đã nêu một cách tổng quát về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như phương thức tiến hành quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước. 

Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, có địa phương đã cán đích như TP. Bà Rịa đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Việc tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng NTM là vô cùng cần thiết với phương châm người dân là chủ thể của NTM thì việc “lấy sức dân để lo cho dân” nên được đẩy mạnh hơn nữa.  

TRUNG HIẾU

;
.