Nghĩ về một lá thư

Thứ Sáu, 02/08/2019, 08:07 [GMT+7]
In bài này
.

Lá thư của em Nguyễn Nguyệt Linh, nữ sinh lớp 5 chuẩn bị vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội) với thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” tiếp tục được chia sẻ rộng rãi, trở thành tâm điểm của dư luận trong mấy ngày qua.

Người ta quan tâm tới lá thư vì tác giả là một học sinh trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng đã có một đề xuất khiến người lớn giật mình: không thả bóng bay để bảo vệ môi trường, một vấn đề lớn của toàn cầu.

Trong khi nhiều em cùng độ tuổi nhìn hình ảnh bong bóng bay với mơ ước  “bay xa, bay cao”, không ít người lớn lãng mạn thả thơ về trời bằng bóng bay thì Nguyễn Nguyệt Linh nhìn vấn đề dưới một góc khác: nó có thể gây nguy hại đến môi trường.

Hạnh phúc cho Linh là trong thư hồi đáp, nhiều thầy hiệu trưởng cam kết sẽ ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng sắp tới. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, người không có tên trong danh sách gửi thư của Linh sau phút bất ngờ và xúc động cũng “nhập cuộc” bằng cách gửi đến Nguyệt Linh một bức thư, cho biết ngày khai giảng năm nay trường thầy sẽ không thả bóng bay .

Bất ngờ hơn, Linh còn nhận được thư khen của lãnh đạo 2 bộ: Giáo dục - Đào tạo và Tài nguyên - Môi trường, dù nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chính kiến trước một vấn đề nóng của xã hội và có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường. Từ lá thư của Linh, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề nghị các trường có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.

Trước Nguyễn Nguyệt Linh, cũng có người viết thư kêu gọi mọi người chung tay nhặt rác, giữ gìn môi trường sống sạch đẹp, trong lành. Đó là ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong thư ngỏ gửi người dân, các bạn trẻ và du khách, lãnh đạo 2 tỉnh kêu gọi hãy nhặt từng cọng rác, trồng từng cây xanh, nâng niu từng cụm hoa cỏ, góp phần thay đổi tích cực nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Không chỉ gửi thư, lãnh đạo 2 tỉnh còn cùng đi dọn rác với du khách và người dân.

Có thể nói đó là những lá thư nhiều sức hút. Sau khi gửi đi, chúng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và được nhiều du khách và bạn trẻ hưởng ứng. Không ai ngạc nhiên về điều đó. Người ta hiểu những lá thư mang lại hiệu ứng tích cực từ xã hội đó xuất phát từ nhận thức, từ cái tâm nhưng cũng có thể nằm trong nghệ thuật quản lý của người lãnh đạo. Thay vì dùng mệnh lệnh hành chính, họ đã dùng “tâm thư” để khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người dân, du khách trong việc bảo vệ môi trường. Rất nhiều du khách, người dân, đặc biệt là giới trẻ đã tham gia bảo vệ môi trường theo thư kêu gọi của lãnh đạo 2 tỉnh.

Người ta hy vọng rồi đây hiệu ứng lá thư của Linh cũng sẽ được lan tỏa mạnh mẽ như vậy trong môi trường học đường mà trước hết là bạn học đồng trang lứa của em. Qua thư Linh, rất có thể nhiều học sinh nay mới biết bóng bay làm bằng ni lông, tức là từ nhựa, khi thả lên trời, chim và các loài động vật khác có thể nuốt vào, chặn đường ruột đến chết đói. Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì các chú rùa, các loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt và chết. Hiểu được như vậy, các em sẽ biết yêu thiên nhiên và có hành động thiết thực bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh, bảo vệ môi trường.

Từ lá thư của nữ sinh lớp 5, nhiều người cũng sẽ hiểu chống rác thải nhựa không có gì khó khăn và to tát, miễn mỗi người trong chúng ta có ý thức và quyết tâm. Bà nội trợ thì xách giỏ cói đi chợ. Các siêu thị, nhà hàng, các chị tiểu thương thì gói hàng cho khách bằng các sản phẩm tự nhiên thay thế túi nylon. Du khách thì không thả chai nhựa, túi ni lông ra những nơi mình đi qua. Ai đó có ý nghĩ xả thải lén, đổ rác bậy, nhập phế liệu cấm cũng thấy “nhột” mà dừng lại các hành vi gây hại môi trường. Tất cả vì mục tiêu đẩy lùi “ô nhiễm trắng”. 

Có những thông điệp truyền cảm hứng và thức tỉnh cộng đồng về nguy cơ của rác thải nhựa. Lá thư lay động lòng người của em Nguyễn Nguyệt Linh là một trong số đó. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.