Bất lực trước "xe dù, bến cóc"?

Thứ Năm, 05/09/2019, 20:41 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây không lâu, trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý bến xe khách Châu Đức có chia sẻ rằng tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn huyện đã gây khó khăn không ít cho công tác quản lý bến xe cũng như gây ức chế, bức xúc cho các nhà xe hoạt động trong bến, khiến trật tự an toàn bến bãi bị ảnh hưởng, gây mất an toàn giao thông. Ông Hà Tấn Trang, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2, Sở GT-VT thì cho biết, ngoài huyện Châu Đức, nạn “xe dù, bến cóc” còn diễn ra trên địa bàn TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và các huyện khác, không chỉ gây thiệt hại cho các nhà xe chấp hành tốt các quy định về vận tải, làm mất an ninh trật tự tại các khu vực đưa đón khách, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này.

Nạn “xe dù, bến cóc” đã có từ nhiều năm qua, tỉnh thành nào cũng có - nhất là vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Chính vì vậy mà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, đồng thời nghiên cứu, đề xuất nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm như đón trả khách sai quy định, không chạy xe đúng tuyến, lịch trình; xe chở khách không có phù hiệu…; Bộ GT-VT cũng đã tổ chức một cuộc họp tìm giải pháp cho vấn nạn này, lãnh đạo các địa phương cũng không ít lần tuyên bố đến cuối năm này, năm nọ sẽ xử lý dứt điểm, thế nhưng, đến nay dường như vẫn chưa có thuốc “đặc trị”. Cứ khi nào, chỗ nào lực lượng chức năng mạnh tay thì tạm lắng, được một thời gian thấy im ắng nạn “xe dù, bến cóc” lại tái diễn, hoành hành. Ở một số nơi, xe hợp đồng “trá hình” xe chạy tuyến cố định hoạt động công khai trước cơ quan chức năng, gây nên tình trạng lộn xộn, bát nháo khiến người ta có cảm giác lực lượng này bất lực hoặc dung túng, làm ngơ cho các nhà xe ngang nhiên lộng hành, bất chấp quy định pháp luật.

Cũng phải thừa nhận, tuy hoạt động “chui” nhưng “xe dù, bến cóc” lại đặt hành khách đúng vị trí “thượng đế”. Chỉ cần gọi điện đặt giờ đi là có xe đến đón tận nơi, trả đúng địa điểm, xuất phát đúng giờ, chỗ ngồi thoải mái, giá cả phải chăng. Chính vì thuận tiện cho người dân, chất lượng dịch vụ tốt nên “xe hợp đồng” ngày càng phát triển, đẩy xe tuyến cố định vào thế “chết dần”.

Hệ lụy do nạn “xe dù, bến cóc” thì đã rõ: Tạo ra môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN vận tải làm ăn nghiêm túc, gây thiệt hại cho khách khi có sự cố xảy ra; Gây mất trật tự an toàn giao thông, làm gia tăng ùn tắc trong các đô thị, phá vỡ trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh và trốn tránh nghĩa vụ thuế - phí với Nhà nước số tiền hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay Bộ GT-VT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, đáp ứng lòng mong đợi của nhiều DN vận tải làm ăn chân chính. Sau hơn 3 năm thực hiện, một số điều của Nghị định 86 không còn phù hợp và không ít nhà xe đã lợi dụng những “kẽ hở” này để mở “xe dù, bến cóc”, chạy xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.

Thế nhưng nhiều người tin rằng, cho dù Nghị định 86 có được sửa chữa, thay thế bằng một nghị định khác với nhiều quy định chặt chẽ hơn, chế tài mạnh mẽ hơn cũng chưa hẳn đã giải quyết tận gốc tình trạng mất trật tự, lộn xộn trong kinh doanh vận tải ô tô. Giải pháp trọng tâm và “cổ điển” được các nhà quản lý, chuyên gia và cả người dân cho là có hiệu quả, khả thi hơn cả vẫn là tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thật nghiêm, chế tài thật mạnh tình trạng xe dù, xe hợp đồng dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định, mặt khác tạo điều kiện hoạt động thuận lợi của các bến xe tuyến cố định để thu hút hành khách đến với “xe chính thống”.

Dư luận đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, rằng chỉ cần các cán bộ địa phương, cơ quan chuyên ngành quyết liệt, làm thật mạnh, xử thật nghiêm, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước, không “cưỡi ngựa xem hoa”, chắc chắn “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình” sẽ giảm. Nếu không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp cụ thể thì không thể giải quyết triệt để vấn đề.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.