Chậm lại một chút...

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:26 [GMT+7]
In bài này
.

Đã bao giờ bạn cảm thấy hả hê khi phán xét sai sót của một ai đó? Và bạn thấy nó thật đáng để hả hê! Bạn lấp liếm sự ích kỷ của mình bằng luận điệu phải phê bình cái sai để hướng đến cái đúng, cái tốt! Nhưng bạn đã bao giờ đặt mình vào vị trí của họ trong hoàn cảnh xảy ra sai sót đó? Châm ngôn phương Tây có câu: “Hãy mang đôi giày của tôi, và trải qua thử những thứ tôi đã từng trải. Nếu bạn vượt qua mọi thứ tốt hơn tôi, thì hãy phán xét”. Vậy nên hãy “chậm lại một chút” khi phán xét. Hãy suy nghĩ kỹ và mường tượng đến một ngày mình sẽ là họ, sẽ ở trong hoàn cảnh của họ để mọi sự phê bình, góp ý của mình hoàn toàn chỉ để hướng đến những điều tốt đẹp hơn mà không vùi dập người khác chỉ vì một sơ suất.

Đã bao giờ bạn thấy chán ghét hành động của người khác vì nó không như suy nghĩ của mình, nó trái với những điều mình vẫn thường làm. Và bạn dùng đủ thứ lý lẽ để che khuất sự thực chất trong hành động của họ? Bạn hãy chậm lại một chút, hãy để những suy nghĩ vụn vặt bên cạnh một trái tim rộng mở, để thấy thật sự đâu là đúng sai.

Bạn tôi vừa chia sẻ một câu chuyện về một công chức mẫn cán, đứng đắn, thông minh, năng động và trong sạch. Anh ta thường giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Nhưng sự trong sạch thường đi liền với sự thẳng thắn, dễ làm mất lòng. Vậy nên, anh vẫn thường bị lời ra tiếng vào, bị dị nghị đủ điều và mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm thì tỷ lệ luôn ở mức “không quá bán”.

Một vị lãnh đạo khác, rất mẫn cán, luôn tâm niệm vì dân phục vụ, việc gì cũng sâu sát, đi tới đâu cũng chỉ ra cái sai của cơ sở để uốn nắn, chấn chỉnh. Vị lãnh đạo ấy bị coi là làm màu, đánh bóng tên tuổi, thậm chí trở nên đơn độc giữa một rừng chống đối.

Một câu chuyện khác, vừa xảy ra không lâu với diễn viên, MC nổi tiếng Quyền Linh. Anh là người đam mê công tác từ thiện xã hội, tận tâm và thực tâm giúp đỡ người nghèo khó. Ấy vậy mà anh nản tới nỗi muốn giải nghệ do bị thị phi bủa vây, anh chia sẻ rằng bản thân thật sự mệt mỏi, tưởng như không thể chịu đựng được hơn nữa, mặc dù anh biết công việc của anh làm rất có ý nghĩa, vực dậy bao mảnh đời bất hạnh.

Có sự lý giải cho những “hiện tượng” trên rằng: ở trong tự nhiên, đến trời mưa hay nắng còn được người thích, kẻ không mong, nói chi cuộc sống. Trời mưa, người nông dân đang chịu cảnh hạn hán reo mừng, nhưng lại “làm khó” anh công nhân quét đường đêm hôm phải lầy lội, những người đang trên đường lỡ việc cũng ghét cay, ghét đắng cơn mưa ấy.

Thị phi - hai chữ viết ra thật đơn giản, nhưng nó có thể bóp chết bao người, bóp chết sự cống hiến, sáng tạo, tinh thần tươi mới. Trong tiếng Hán Việt “thị” có nghĩa là đúng, và “phi” có nghĩa là sai. Hai chữ này đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời như con dao 2 lưỡi, lắt léo và khó lường đúng sai. Thị phi cũng giống như trắng và đen, đêm và ngày hay là thương và ghét. Nó đối lập nhau nhưng lại chẳng thể tách rời, và cũng chính nó đã khiến cho đời người vốn đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn.

Tôi từng đọc ở đâu đó viết rằng: Trong cuộc sống mỗi người, không ai là có thể tránh được miệng lưỡi của thế gian. Đến vàng còn không thuần khiết được huống hồ là con người? Ấy thế mà ta vẫn phải hứng chịu lời thị phi cay nghiệt từ những người xung quanh. Nếu như ai đó hỏi ta rằng “thị phi bắt nguồn từ đâu” thì hãy tin rằng, nó bắt đầu từ những người bên cạnh mình. Đó là những “người hàng xóm” có thể nhìn thấy mình nói, thấy việc mình làm nhưng lại cố tình che mờ đi tất cả sự thật bằng sự đố kỵ, ghen ghét. Ở bất kỳ đâu cũng thế, luôn có một thế lực mang tên “người hàng xóm” có tần suất hoạt động cao. Họ quan tâm đặc biệt đến các hành động và sinh hoạt của bạn. Sau đó, phóng tác mọi thứ theo cái cách của họ.

Người bị thị phi đương nhiên phải biết cách chống đỡ để tồn tại. Như một vị thiền sư khuyên bảo: Khi đối mặt với những tình huống này không nên cố chứng minh bản thân mình cũng như sự thật. Hãy học cách nhẫn nhịn, bởi dù thế nào ta cũng không thể thay đổi được suy nghĩ của họ. Tốt nhất là hãy cố gắng sống thật tốt, làm chủ vận mệnh của mình chứ đừng để thị phi quyết định việc ta có được hạnh phúc hay không. Dù chuyện thị phi là gì thì bạn cũng nên nhớ rằng, nó không bao giờ phản ánh được con người bạn. Vậy thì bận tâm làm gì? Hãy nhìn và tin vào bản thân mình, sống ngay thẳng không hổ thẹn với lòng mình thì chẳng có điều gì phải sợ.

Và chúng ta - những người có trách nhiệm, biết sống thiện lương, mỗi ngày khi định nói ai đó theo kiểu “người hàng xóm” hãy chậm lại một chút, đừng sát thương người khác bởi những lời thị phi…

MINH ĐỨC
;
.