Hãy để "nhà" là nơi bình yên

Thứ Ba, 03/09/2019, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Hồi tôi còn bé, có lần được ba mẹ cho ra thành phố chơi, tôi đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến một gia đình phương Tây nghỉ trưa ở công viên. Cặp vợ chồng và cô con gái nhỏ cùng ngồi quây quần trên ghế đá, dưới tán cây. Bà mẹ trẻ ghé đầu vào vai chồng mình, tay trong tay trong khi cô con gái nhỏ ngủ lim dim trong lòng mẹ. Hình ảnh một gia đình thật hạnh phúc!

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê, nơi có những con người thật thà, chất phác, yêu lao động, nhưng cũng có những “lề thói” khó bỏ là tính gia trưởng của các ông bố, ông chồng trong nhiều gia đình. Ở đó, hình ảnh ông chủ gia đình ngồi mâm trên, quát nạt vợ con là chuyện bình thường. Ở đó, có những gia đình mà bà mẹ thường len lén quệt nước mắt cam chịu, những đứa con sợ sệt liếc trộm bố mình xem vui hay buồn để còn “chọn lối cư xử” như một lẽ thường tình. 

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông chồng cầm roi đuổi bà vợ chạy khắp xóm chỉ vì bà vợ chống đối yêu sách của ông chồng là làm thịt con gà mái đang đẻ trứng… Những câu chuyện ấy bây giờ kể lại nhiều bạn trẻ sẽ rất ngạc nhiên, và cho rằng chỉ có ở một thời đã xa xưa, bởi xã hội chúng ta đã tân tiến hơn rất nhiều, bình đẳng giới đã được đẩy mạnh. Những hình ảnh “tay trong tay” hạnh phúc của các cặp vợ chồng không còn quá hiếm gặp ở cả nơi công cộng, trong công viên, trên đường phố…

Vậy nhưng, tuy không phải phổ biến, những vụ việc về bạo lực gia đình vẫn diễn ra, mà ở đó, phụ nữ và trẻ em phải hứng chịu tổn thương lớn nhất. Minh chứng rõ nhất là trong suốt mấy ngày qua, trên mạng xã hội đã lan truyền nhanh chóng những vụ việc về bạo lực gia đình. Đầu tiên là một ông chồng liên tiếp tát vào mặt vợ, còn người vợ thì chỉ biết co mình che chắn cho con. Và tiếp theo đó là một võ sư đánh vợ, trong khi cô vợ đang ôm con nhỏ mới 2 tháng tuổi. Và khủng khiếp hơn, ngày 26/8 vừa qua, ngay trên địa bàn xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, một người vợ trẻ, mới 25 tuổi đã bị chồng sát hại chỉ vì từ chối đưa chìa khóa xe máy cho chồng. 

Chắc chắn rằng, trước khi có những vụ việc “dậy sóng” như vậy xảy ra, trong những gia đình ấy đã kéo dài tình cảnh bạo lực nhưng đã không được can thiệp kịp thời để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc. 

Dư luận bàn tán, trong các cuộc xô xát, mâu thuẫn gia đình nguyên nhân phải đến từ cả hai phía, người vợ cũng cần xem lại thái độ của mình; bởi không ai tự nhiên đánh vợ, vợ phải thế nào thì mới bị đánh. Có nhiều bà vợ cũng lắm lời quá đáng, nhiều khi còn dại dột khiêu khích cơn nóng giận của chồng, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không biết xây dựng gia đình ấm êm. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, phần lớn đều cảm thấy đó là hành động khó chấp nhận. Chồng đánh vợ dù là vì bất cứ lý do gì đều không đúng. 

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng trong khi chúng ta đã có hệ thống quan điểm, pháp lý cơ bản đủ, đúng, đó là Nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Quy chế xét, công nhận gia đình văn hóa? Vậy chúng ta có hình thức hóa trong quá trình triển khai thực hiện không? Vấn đề xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc có được chú trọng không? Chính quyền, đoàn thể đã thấu hiểu những gia đình hay “cơm không lành, canh không ngọt” chưa?

Điều đáng bàn ở đây không chỉ là sự vun đắp yêu thương của mỗi người để xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm bình đẳng giới, mà là làm cách nào để bảo vệ những người yếu thế tránh khỏi hậu họa khôn lường từ bạo lực gia đình. Lâu nay, ở nhiều địa phương trong cả nước, những địa chỉ tạm lánh được gọi là “ngôi nhà an toàn” đã được thiết lập nhằm hỗ trợ để bảo vệ phụ nữ, trẻ em từ các cuộc bạo lực gia đình. Thế nhưng, có thể nói, những ngôi nhà an toàn này chưa thể che chắn hết cho các nạn nhân, bởi lẽ chính họ đã mấy khi chịu tìm đến để được an toàn? Có không ít nạn nhân chỉ khi sự việc lên đến đỉnh điểm, nghiêm trọng mới được phát hiện bởi cơ quan chức năng. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng các cấp phải rà soát lại các quy định về công tác xây dựng gia đình văn hóa hiện nay, phải coi trọng vấn đề xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, bền vững, thật sự là tế bào của xã hội. Các ngành, đoàn thể phải sâu sát với cộng đồng dân cư để hòa giải, vận động, chia sẻ, giải tỏa những vấn đề nảy sinh mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình, không để quá muộn như những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra.

TRUNG HIẾU

 

;
.