Quanh chuyện dự báo bão

Thứ Sáu, 13/09/2019, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần rồi, chuyện dự báo bão sai lại được đem ra bàn thảo khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chương trình Phiên họp thứ 37, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, cụm từ “đủ độ tin cậy” thể hiện cấp độ thấp hơn “chính xác” và đặt câu hỏi vì sao lại sửa đổi như vậy khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời rằng trước đây dùng từ “chính xác” là không chính xác, do đó đã làm mất lòng tin của nhân dân. Bây giờ dùng từ “đủ độ tin cậy” tức là thể hiện bộ đã tận dụng các phương tiện máy móc, tiến bộ của khoa học công nghệ để cố gắng hết sức đưa ra dự báo…, chứ không phải muốn giảm tông đi để giảm trách nhiệm.

Thật ra, cũng không có mấy người dân “bắt bẻ” chuyện dùng từ ngữ trong bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương. Có ý kiến nhiều hơn cả vẫn là chính quyền các địa phương nơi xảy ra bão lũ, thiên tai. Lãnh đạo những nơi này “than phiền” trong công tác dự báo thời tiết, đòi hỏi sự chính xác một cách tuyệt đối là điều không thể, nhưng dự báo những loại thời tiết nguy hiểm như bão lũ, không cho phép những sai số quá lớn, nhất là về cường độ và vùng ảnh hưởng. Vậy mà có lúc cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra những dự báo, cảnh báo không chuẩn hoặc “nói quá” theo kiểu “trừ hao” khiến cho các cấp chính quyền lúng túng, bị động trong công tác phòng chống còn người dân thì “lờn” dần với thông tin bão, từ đó nảy sinh tâm lý chủ quan, xem thường, thờ ơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc dự báo bão Chanchu xảy ra năm 2006 hoặc bão số 8 xảy ra năm 2013 là những minh chứng.

Vai trò của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn rất quan trọng. Dự báo đúng, tính mạng, tài sản của người dân sẽ được bảo đảm an toàn. Dự báo sai, hậu quả sẽ khó lường. Một thông tin dự báo “đủ độ tin cậy” phụ thuộc 3 yếu tố chính: Công nghệ, mạng lưới trạm quan trắc và trình độ của dự báo viên. Thế nhưng việc dự báo thời tiết tại nước ta những năm qua chủ yếu vẫn tiến hành bằng phương thức thủ công với các thiết bị, kỹ thuật lạc hậu, dẫn đến nhiều sai số, khiến kết quả dự báo bị sai lệch so với thực tế. Một lãnh đạo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia giải thích quy trình dự báo thời tiết bằng phương thức thủ công như sau: Để đưa ra một bản tin dự báo thời tiết, các quan trắc viên phải trực tiếp thu thập thông tin tại hiện trường, sau đó mã hóa và gửi đi mất gần 30 phút, trong khi công việc này trên thế giới chỉ mất 1 phút. Mỗi trạm quan trắc hiện chỉ có thể ghi nhận thông tin trong bán kính khoảng 20km. Hai trạm cách nhau từ 50-100km, như vậy không thể nắm được thông tin, diễn biến chính xác các hiện tượng đang xảy ra ít nhất đối với 60km giữa 2 trạm. Số lượng trạm quan trắc ít, dẫn đến việc quan trắc không đầy đủ nên kết quả dự báo ở các mô hình vẫn chưa đủ độ tin cậy. Ngoài công nghệ dự báo thời tiết lạc hậu, lực lượng quan trắc viên và dự báo viên - những người tiếp nhận, phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo còn quá mỏng cũng khiến cho công tác dự báo không bảo đảm được tính chính xác và kịp thời.

Điều chỉnh câu chữ cho chuẩn xác, kín kẽ là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo pháp luật, còn dự báo bão “đủ độ tin cậy” là trách nhiệm của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn. Công việc này đòi hỏi Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương một sự cẩn trọng trong cảnh báo, dự báo, xử lý thông tin. Để cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ được giao, việc dự báo bão bằng phương thức thủ công phải chấm dứt, thay vào đó bằng việc đầu tư mạng lưới ra-đa, hệ thống quan trắc tự động hiện đại được vận hành bởi một đội ngũ quan trắc viên có năng lực để có thể đưa ra những dự báo đáng tin cậy nhất. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thu hút người tài làm việc và gắn bó lâu dài với ngành khí tượng thủy văn cũng là điều cần thiết, điều này sẽ tạo nên bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn, bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong tương lai.

HẢI LĂNG

;
.