Tháo điểm nghẽn để du lịch tăng tốc phát triển

Thứ Hai, 16/12/2019, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn chưa tới nửa tháng nữa là kết thúc năm 2019. Nhưng ngay từ thời điểm này, ngành du lịch Việt Nam đã đón nhận nhiều tin vui: Năm 2019, nước ta được Tổ chức du lịch thế giới xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019. 11 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến cả năm 2019 du lịch nước ta sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách trong nước, tổng doanh thu từ du lịch đạt 720 ngàn tỷ đồng, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành du lịch thực hiện.

Mặc dù lượng khách quốc tế đến nước ta những năm gần đây liên tục tăng, nhưng chỉ số chi tiêu của du khách đang có xu hướng giảm do chúng ta chưa có ngành công nghiệp giải trí, chưa có nhiều điểm vui chơi, mua sắm tầm cỡ quốc tế để du khách rút “hầu bao” - quẹt thẻ để trải nghiệm khi tới Việt Nam. Mặt khác, chất lượng phát triển du lịch của nước ta vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Biểu hiện rõ nhất là các chỉ số cạnh tranh về du lịch, về chất lượng dịch vụ và tổng số việc làm trong ngành du lịch chưa ổn định. Tại nhiều địa phương, dù được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, thế nhưng chính sách ưu tiên phát triển du lịch vẫn còn nhiều bất cập, nhiều nơi thừa chỗ ngủ, nhưng lại thiếu chỗ vui chơi, mua sắm. Sự mất cân đối trong đào tạo đại học giữa các ngành nghề còn tồn tại nhiều bất hợp lý, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì nhiều, nhưng riêng về ngành nghề du lịch thì quá ít, dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực chuyên ngành du lịch đã qua đào tạo cơ bản. Cả nước hiện có tới vài ngàn DN lữ hành, nhưng số DN đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Những năm gần đây, dù có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng du lịch cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng vẫn đang mắc kẹt ở nhiều “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ để ngành kinh tế mũi nhọn tăng tốc mạnh hơn nữa, tạo sức bật cho nền kinh tế đột phá phát triển nhanh và bền vững. Đó là, điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng du lịch, chính sách thị thực, nguồn lực xúc tiến quảng bá còn hạn chế, chất lượng nhân lực thiếu và yếu, thiếu các chính sách liên kết phát triển du lịch…

Với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” tại diễn đàn cao cấp du lịch VN được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, phân tích làm rõ 4 chuyên đề chính, bao gồm: Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách; Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến; Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch. Trên cơ sở phân tích dữ liệu, các đại biểu cho rằng, ngành du lịch cần tập trung đánh giá chiến lược thương hiệu quốc gia và những ưu tiên của Chính phủ, của các địa phương đối với lĩnh vực du lịch. Chú trọng công tác quảng bá du lịch và xây dựng các chiến lược truyền thông trên các kênh truyền thông khu vực và quốc tế, trong đó cần chú trọng các thị trường mục tiêu. Cần nhanh chóng thực hiện một cách hiệu quả công tác phối hợp, liên kết giữa các địa phương để phát huy thế mạnh vùng miền. Ưu tiên giải quyết bài toán về số hóa ngành du lịch, với giải pháp thiết kế bản đồ hành trình trải nghiệm của du khách và đặt dịch vụ trong hành trình, nhất là vấn đề visa. Đồng thời, tìm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp tăng cường sự trải nghiệm đối với khách du lịch tại các điểm đến; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kể cả các yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến và quản lý kinh doanh của các DN du lịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã thảo luận về tháo gỡ những nút thắt hàng không và năng lực hàng không trong nước; tăng cường các giải pháp hợp tác công - tư để phát triển hàng không và chắp cánh cho du lịch tăng tốc phát triển.

HOÀNG LÊ
;
.