Căng thẳng tàu xe ngày Tết

Thứ Ba, 07/01/2020, 20:41 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn ít hôm nữa, cuộc “đại di chuyển” của những người con tha hương sẽ bắt đầu. Từ sân bay, nhà ga xe lửa cho đến các bến xe đò, hàng triệu lượt khách sẽ lũ lượt khởi hành về quê, cùng gia đình, người thân vui Xuân đón Tết.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020, lãnh đạo ngành giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn yêu cầu các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, bảo đảm cho người dân đi lại được thuận tiện, an toàn, kiên quyết không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện. Nhưng liệu các cơ quan chức năng có hoàn thành nhiệm vụ hay cũng như mọi năm, cứ bị động, thiếu sự ứng phó kịp thời, “kẹt đâu gỡ đó”?

Sở dĩ phải nêu lên câu hỏi này bởi trước Tết Nguyên đán 1 tháng, hầu hết xe giường nằm chất lượng cao từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và khu vực Tây Nguyên đã hết vé. Tình trạng cháy vé đã khiến cho những chuyến xe chất lượng cao từ TP.Hồ Chí Minh đi Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Vinh… bị đẩy giá lên, thậm chí còn cao hơn so với giá tàu hỏa. Điều đáng nói, không chỉ vé chiều đi trước Tết khan hiếm, kiếm vé chặng từ miền Trung trở lại Sài Gòn sau Tết cũng khó khăn không kém.

Năm nào cũng vậy, các DN vận tải, các bến xe đều mạnh miệng tuyên bố đã có kế hoạch phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết với tinh thần “khách ngày nào đi hết ngày ấy”, không để xảy ra tình trạng hành khách phải trú tại bến qua đêm giao thừa. Thế nhưng, đường về quê dịp Tết của hàng triệu công nhân viên chức, học sinh, sinh viên chưa bao giờ được thoải mái, thong dong. Những ngày cận Tết, ngoài việc phải mua vé chui, vé giả, vé… lừa, nhiều hành khách còn phải chịu sự “bạc đãi” của nạn xe dù, cơm tù, hay sự “móc túi” hợp pháp của nhà xe bằng phí, phụ phí… Tất cả đã làm cho sức khỏe, đồng tiền ít ỏi chắt chiu cả năm của người lao động càng thêm vơi. Những vấn nạn đó cho thấy các công ty vận tải, các cơ quan chức năng về trật tự ATGT hoàn toàn bị động. Rõ ràng, trong nỗi gian truân của hành khách trên hành trình về quê trong dịp Tết, có trách nhiệm không nhỏ của ngành GTVT, của các cấp chính quyền địa phương.

Để cuộc hành trình của hành khách được bình an, suôn sẻ, sự vào cuộc tích cực của ngành GTVT, của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và chính quyền địa phương là rất cần thiết. Điều cần làm sớm của các DN và các ngành chức năng vào lúc này là sửa chữa, tập trung tốt số lượng xe, phân bố hợp lý cho từng tuyến, chấn chỉnh hoạt động của các bến xe, tổ chức, sắp xếp thật khoa học để xe quay vòng nhanh đón khách và tránh ùn tắc giao thông, thỏa mãn tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Điều không kém phần quan trọng là lực lượng CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) tăng cường kiểm tra, xử lý nạn xe dù, bến cóc; Nạn nhồi nhét hoặc tùy tiện tăng giá vé bắt chẹt hành khách, kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật về PCCC, búa thoát hiểm, dây an toàn của tất cả các phương tiện. Số điện thoại đường dây nóng của CSGT, TTGT cần được niêm yết rộng rãi ở các bến xe để khi phát hiện tình trạng xe nhồi nhét khách có thể phản ánh để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý thỏa đáng, kịp thời. Mỗi hành khách hãy lưu lại những số điện thoại này để bảo vệ quyền lợi của chính mình khi bị các nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” hay bị hành hung.

Chỉ có như thế, lời chúc thượng lộ bình an mới thành hiện thực.

 NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.