Thời của du lịch sinh thái

Thứ Bảy, 04/01/2020, 07:10 [GMT+7]
In bài này
.

Chúng ta đang đặt những bước chân đầu tiên trước thềm năm mới 2020. Đó là thời điểm mang biết bao mơ ước, khát vọng về một tương lai thịnh vượng, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. 

Nhìn lại năm 2019, chúng ta nhìn nhận văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đã trở thành những nhu cầu không thể thiếu của mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Năm 2020 này, đương nhiên chúng ta vẫn sẽ phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, mang đầy đủ ý nghĩa văn hóa của nó. Trong bối cảnh đó, nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi được mọi người đặt mục tiêu vươn tới, cho dù trước mắt còn không ít chuyện cơm áo gạo tiền cần phải lo toan. Và, du lịch sinh thái là một trong những lựa chọn của nhiều người. 

 Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã định nghĩa về du lịch sinh thái như vậy. Nhìn  lại các đô thị nước ta hiện nay, các tầng lớp dân cư đã và đang sống chen chúc trong những căn nhà hộp kín, bê tông ngột ngạt, cùng với các chung cư, cao ốc, giành chiếm không gian của con người. Khói công nghiệp ngày càng tuôn khí thải, gây ô nhiễm môi trường. Đó là lý do khiến con người chủ động tìm về với thế giới tự nhiên, gần gũi với môi trường trong lành, không gian thoáng đãng. Du lịch sinh thái do vậy đã trở thành nhu cầu bức thiết của nhiều người. Theo Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế (TIES), mỗi năm có khoảng 70 triệu du khách muốn được gần gũi với thiên nhiên, muốn được hòa mình với những nền văn hóa xa xôi, biệt lập của các cộng đồng. 

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, du khách nước ngoài khi vào Việt Nam đều muốn tìm đến miệt vườn, tận hưởng cái không gian yên tĩnh của vùng quê trù phú, cây trái quanh năm, ngồi thuyền ngắm cảnh sông nước, thưởng thức giọng ca tài tử của các nghệ sĩ dân gian. Họ muốn ngủ lại giữa bốn bề sóng vỗ, đêm nghe tiếng chim kêu, cá quẫy, lưu luyến, mến yêu vùng đất hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng. Và họ thực sự được toại nguyện về chuyến du hành đến những vùng đất hoang sơ ấy. Tuy tỷ suất tích lũy nhìn thấy chưa cao nhưng rõ ràng du lịch sinh thái là loại hình du lịch bền vững, cái lãi gấp bội hơn ta trông thấy. Lượng khách đến với sông nước đồng bằng sông Cửu Long, các Vườn quốc gia Côn Đảo, rừng Cúc Phương,  Ba Vì, Tam Đảo… đã cho thấy sức hấp dẫn của du lịch sinh thái như thế nào. 

Năm 2020, loại hình du lịch sinh thái vẫn sẽ là nhu cầu của du khách trong nước cũng như quốc tế. Họ vẫn đặt mục tiêu ưu tiên tìm đến những nơi không khí trong lành, không gian thoáng đãng, qua đêm trong những căn nhà dân dã ven hồ hay trong rừng vắng để tận hưởng cái giá trị nguyên sơ còn lại thuở hồng hoang. Nắm bắt được xu thế đó, ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch mới có những chính sách và giải pháp cụ thể để phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng.  

Trên địa bàn BR-VT thời gian qua đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, hòa mình vào thiên nhiên thanh bình, yên ả như khu du lịch sinh thái Bưng Bạc, Núi Dinh, Bình Châu, Hồ Cốc, Hồ Tràm… BR-VT còn có những cánh rừng ngập mặn nằm dọc các sông Cỏ May, sông Rạng, sông Dinh, sông Chà Và, sông Rạch Tranh, sông Mỏ Nhát. Các vịnh cửa biển như vịnh Ông Bền, vịnh Gành Rái. Nếu việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ rừng ngập mặn được tổ chức, kết nối tốt với các tour du lịch ngắn ngày tham quan làng nghề truyền thống lân cận như bánh tráng An Ngãi, làng bún Long Kiên, vườn cây ăn trái Hòa Long… thì sẽ thu hút không ít du khách đến với BR-VT.  

Du lịch sinh thái ở nước ta chỉ trở thành thế mạnh khi nó khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng. Khi ngành du lịch và cả cộng đồng hiểu đúng về điều này, du lịch sinh thái sẽ “lên ngôi”, mang lại những cơ hội mới cho phát triển ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.