Nuôi heo an toàn sinh học

Thứ Sáu, 28/02/2020, 21:39 [GMT+7]
In bài này
.

Thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi (ASF) gây ra đối với ngành chăn nuôi nước ta là rất lớn. Trong giai đoạn bùng phát dịch, nhiều trang trại, hộ nuôi heo nhỏ lẻ bị trắng đàn, thị trường tiêu dùng thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề, giá heo hơi tăng đột biến và có lúc chúng ta đã phải nhập khẩu thịt heo để bình ổn thị trường. Đến thời điểm hiện nay, có thể xác định rằng, dịch bệnh ASF tại các địa phương đã tạm lắng. Việc tái đàn, phát triển chăn nuôi heo trở nên cần thiết để khôi phục sản xuất và cung ứng nhu cầu thực phẩm, bình ổn thị trường sau cơn bão dịch ASF.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận ở một số địa phương, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, nhất là việc phải tính toán kỹ khi quyết định tái đàn vì rủi ro khi chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm bệnh. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, virus ASF có sức đề kháng rất cao và có thể tồn tại từ 6 tháng tới hàng năm trong nguyên liệu, trong thịt heo bị nhiễm bệnh ASF chưa được nấu chín và nó tồn tại lâu hơn nếu sản phẩm được đông lạnh. Virus ASF cũng được cho là còn khả năng gây nhiễm bệnh ở các chuồng nuôi heo đã bỏ không sau dịch bệnh… Một nghiên cứu gần đây cũng khuyến cáo rằng, virus ASF có thể tồn tại 30 ngày trong các nguyên liệu thức ăn sấy khô như bã đậu tương hoặc một số chất phụ gia chăn nuôi gia súc.

Chưa có loại dịch nào gây ra tác hại lớn và nhiều khó khăn trong quá trình ứng phó như ASF. Nhằm tránh nguy cơ dịch ASF bùng phát trở lại, các địa phương, các trang trại và các hộ chăn nuôi heo cần phải hết sức thận trọng, không nên tái đàn một cách ồ ạt, mà giai đoạn đầu cần thực hiện tái đàn với số lượng thích hợp. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, các cơ sở chăn nuôi cần thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với ASF, khi đó mới tiếp tục nuôi với quy mô lớn hơn. Số liệu thống kê trong quá trình tiêu hủy heo bị bệnh ASF ở các địa phương cho thấy, các trại chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trong chuồng hở, nuôi xen lẫn trong khu dân cư, thì heo bị nhiễm dịch sớm, lây lan nhanh, chết nhiều. Đối với các trang trại chăn nuôi khép kín, xa khu dân cư, tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn sinh học, thì heo ít bị lây nhiễm dịch, cá biệt có nhiều trang trại chăn nuôi heo không bị bệnh ASF.

Kinh nghiệm cho thấy, trong thời gian diễn ra dịch ASF, các trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh kịp thời nên đã đứng vững trước cơn bão dịch. Chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh và tái đàn ở những nơi phù hợp là khuyến cáo của Bộ NN-PTNT mới đây. Theo đó, chuồng trại nuôi heo phải tách biệt với nhà ở và khu dân cư, nên có ô chuồng nuôi cách ly, có khu vực thu gom và xử lý chất thải. Heo giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch và trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Thức ăn chăn nuôi cần được ghi rõ xuất xứ, còn hạn sử dụng và không bị hư hỏng. Nên áp dụng phương thức quản lý “cùng vào-cùng ra” theo thứ tự ưu tiên dãy chuồng, ô chuồng và thực hiện chăn nuôi theo mô hình sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong nước uống.

Về vấn đề tái đàn chăn nuôi heo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta phải xác định là sống chung với ASF và không nên trông chờ diệt trừ virus ASF hoàn toàn rồi mới tái đàn. Bằng chứng là vừa qua, có nhiều DN, nhiều trang trại lớn và vừa đã thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn heo vẫn được an toàn. Tín hiệu thị trường thời gian gần đây cho thấy có nhiều dấu hiệu tốt, cộng với những thành tố tích cực đã diễn ra vừa qua, chúng ta khuyến khích các DN, các trang trại lớn và vừa, các hộ chăn nuôi… thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh việc đẩy mạnh tăng đàn heo, dịp này những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học thì khuyến khích chuyển sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác (như dê, bò…) hoặc có thể chuyển đổi ngành nghề.

HOÀNG LÊ

;
.