Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chủ Nhật, 01/03/2020, 21:00 [GMT+7]
In bài này
.

Với sở thích “lướt Facebook” và mua hàng qua mạng, chị Nguyễn Thị Minh Thư (đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) đã không ít lần ngậm ngùi khi mua phải hàng kém chất lượng, không đúng như mẫu quảng cáo. Do giá trị sản phẩm không lớn nên chị cũng không muốn tranh cãi, hay làm to chuyện với cửa hàng mà chỉ coi đó là bài học cho mình khi mua hàng online.

Đây chỉ là số ít trong nhiều câu chuyện khi người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo nhưng bỏ qua do tâm lý ngại va chạm. Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, trong thời gian qua đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng có liên quan đến thực phẩm kém chất lượng và hàng kém chất lượng. Ngoài ra, tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng đã ghi nhận 29 cuộc gọi đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại, hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các vụ việc đều được giải quyết thỏa đáng.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những năm qua được lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là việc tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Sở Công thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai như: Tọa đàm “Lắng nghe người tiêu dùng nói”; Treo băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu trên một số tuyến đường chính với nhiều nội dung thiết thực: 1800-6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Sở Công thương, chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”. Do đó nhằm thực hiện tốt nội dung này và hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (ngày 15/3) sắp đến, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh triển khai một số chương trình tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nâng cao chất lượng hoạt động của văn phòng tư vấn và khiếu nại cấp huyện cũng như tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và thực hiện chương trình “DN vì người tiêu dùng”; hướng dẫn, tạo điều kiện khuyến khích các DN nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, và pháp luật của Nhà nước và những vấn đề có liên quan cho các cấp hội, ban, ngành có liên quan. Tổ chức các lớp tập huấn ATVSTP và các chuỗi hàng hóa bảo đảm cho người tiêu dùng. Tập huấn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng. Giải quyết nhanh chóng những vụ kiện khiếu nại của người tiêu dùng.

Thiết nghĩ ngoài các hoạt động nêu trên, để tránh cho người tiêu dùng “tiền mất tật mang” thì giải pháp hữu hiệu vẫn là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của DN trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả. Qua đó cũng cần có chính sách động viên các DN có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

PHƯƠNG ANH

 
;
.