Giải bài toán về trật tự đô thị

Thứ Ba, 03/03/2020, 21:33 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy ngày qua, đi qua các con đường có chợ “cóc”, chợ tự phát ở TP. Vũng Tàu, người ta bắt gặp một hình ảnh “khác lạ”: Lòng, lề đường đã trở nên thông thoáng; Tình trạng xe máy đậu, đỗ không đúng nơi quy định, các loại bảng, biển quảng cáo, bàn ghế, thùng nhựa, hàng hóa… do các hộ kinh doanh cơi nới, “trưng dụng” để buôn bán đã giảm đi đáng kể.

Người dân hiểu đó là kết quả bước đầu của việc ra quân lập lại trật tự đô thị với mục tiêu xây dựng Vũng Tàu thành một thành phố sạch đẹp, trật tự, văn minh. Đáng mừng hơn khi lãnh đạo thành phố khẳng định, sẽ duy trì hoạt động này cho đến khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè chấm dứt, không còn chợ tạm, chợ tự phát gây mất trật tự và mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Tại TP. Vũng Tàu, hiện có tới 9 “điểm nóng” về trật tự đô thị, tập trung ở các chợ tự phát và chợ đầu mối. Trong quá trình mua bán, nước bẩn và rác thải được người bán xả ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và mất vệ sinh. Một số “chợ” còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nếu những “điểm nóng” này được giải quyết triệt để, Vũng Tàu sẽ trật tự, văn minh, sạch đẹp hơn rất nhiều.

Lập lại trật tự đô thị - trong đó có việc chấn chỉnh nạn lấn chiếm lòng, lề đường để làm nơi mua bán, họp chợ là “bài toán khó” không chỉ đối với TP. Vũng Tàu mà với nhiều đô thị lớn nhỏ khác trong cả nước thời gian qua. Rất nhiều lần, công tác “đòi” lại vỉa hè, lòng, lề đường, dẹp chợ cóc, chợ tạm được các địa phương triển khai với nhiều quy mô khác nhau. Thế nhưng nạn lấn chiếm lòng, lề đường, chợ tự phát vẫn không giảm, cho dù đó là “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra và giải pháp nào cũng cần thiết: Gửi “tâm thư” kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN và nhân dân chung tay xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, không xả rác bừa bãi, không chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán; Tuyên truyền nhắc nhở người dân và các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè; Buộc các hộ kinh doanh vi phạm ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường. Những trường hợp vi phạm nhiều lần sẽ “bêu tên” trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là không thể phủ nhận. Sau những đợt ra quân chấn chỉnh, tình hình ít nhiều có chuyển biến. Nhưng chẳng bao lâu, mọi chuyện lại như cũ. Thiếu kiên quyết trong xử lý là một trong những nguyên nhân chính, khiến nạn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh mua bán, họp chợ tràn lan chưa được giải quyết căn cơ, từ đó ảnh hưởng đến trật tự đô thị trên địa bàn. Công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị còn bất cập hơn do việc phối hợp giữa các phường giáp ranh chưa tốt. Khi phường bên này ra quân chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường, người buôn bán ôm thúng mẹt, hàng hóa chạy qua phường bên kia để “tạm lánh”, chờ khi lực lượng chức năng rút đi, họ lại chạy trở về buôn bán tiếp.

Thực tế đó cho thấy, việc lập lại trật tự lòng, lề đường, dẹp “chợ cóc”, chợ tạm phải làm bài bản hơn, căn cơ hơn, tránh tình trạng bắt cóc bỏ dĩa. Nhiều địa phương đã đặt vấn đề phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, giám sát việc quản lý, sử dụng lòng, lề đường; Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức, tăng tính thuyết phục, sự đồng thuận của người dân; Mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn nếu xác định có dấu hiệu buông lỏng quản lý vỉa hè, lòng đường.

Việc UBND TP. Vũng Tàu đưa vào “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè” những quy định cụ thể, thiết thực cho thấy quan điểm an dân của lãnh đạo thành phố. Nghĩa là, vừa chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vừa đảm bảo an sinh cho người dân bao năm nay sống bằng nghề buôn bán trên vỉa hè. Cụ thể, đối với tuyến đường nào tập trung kinh doanh buôn bán nhiều, sẽ dành một phần vỉa hè phục vụ cho nhu cầu của người dân và quy định rõ khu vực nào dành cho người đi bộ, vị trí nào được để xe, chỗ nào được làm nơi kinh doanh, buôn bán. Trong tương lai, khi đề án được triển khai ổn định, thành phố sẽ thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường để phục vụ vào việc chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp vỉa hè, đường phố.

Tất nhiên, về lâu dài nếu xây dựng, nâng cấp, bổ sung những chợ dân sinh phù hợp, thuận tiện việc kinh doanh, mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với “chợ cóc”, chợ tự phát thì việc giải “bài toán” lập lại trật tự đô thị càng dễ dàng hơn.

NGUYỄN HƯNG NHƠN
 
;
.