Trung thực để đẩy lùi dịch bệnh

Thứ Ba, 10/03/2020, 22:36 [GMT+7]
In bài này
.

Theo số liệu từ trang web cập nhật trực tiếp dữ liệu toàn cầu Worldometers, dịch COVID-19 đã tấn công 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng cao tại Italia, Iran, Pháp, Tây Ban Nha trong khi dịch đang dịu đi tại Hàn Quốc và đã được kiểm soát tại Trung Quốc.

Chỉ trong vòng vài ngày qua, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, giai đoạn 2 khó hơn rất nhiều khi chúng ta phải ngăn chặn dịch từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế dịch COVID-19 đã xâm nhập vào nước ta, và “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Vâng, “trong đánh ra, ngoài đánh vào” có thể xảy đến nếu ý thức của mỗi người chúng ta không cao, thậm chí là thiếu trách nhiệm, trốn tránh trong phòng, chống dịch, tự ý loại mình ra khỏi sự an toàn cho chính bản thân. 

Nói như vậy, bởi thời gian gần đây đã có một số trường hợp trốn cách ly, tìm cách đối phó với cơ quan chức năng để không cách ly khi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố nguy cơ cao khi tiếp xúc với nguồn lây. Thậm chí còn “tráo người” cách ly thay mình. Những cá nhân đó cần nhận thức được rằng, việc cách ly trước hết là để bảo đảm an toàn cho chính họ và người thân của họ, sau đó mới đến cộng đồng. Chưa kể, khi được cách ly, họ còn được theo dõi, kiểm tra sức khỏe để loại trừ mắc bệnh và trong trường hợp nếu có dương tính với COVID-19 thì ngay lập tức được điều trị. Vậy thì hà cớ gì phải đối phó với việc cách ly, trốn tránh cách ly? 

Dư luận còn cho rằng, ở thời điểm này, việc không trung thực, khai báo sai sự thật, trốn tránh cách ly trong phòng, chống dịch là tội ác. Tội ác với chính mình, những người thân của mình và cả cộng đồng, xã hội bởi chính mình có thể là nguồn lây, gây bùng phát dịch cho những người xung quanh mà trong đó có cả người thân của mình. 

Tuy nhiên, khách quan mà nói, việc lên án quá mức của cộng đồng, nhất là trên mạng xã hội đối với những trường hợp né tránh cách ly cũng dễ tạo ra “chứng sợ hãi” ở những người có yếu tố nguy cơ, dễ dẫn đến tâm lý lẩn tránh, không đủ dũng khí để xin cách ly. 

Ở nhiều quốc gia, đã ban bố mức phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp trốn cách ly, gian dối trong khai báo về tình trạng y tế có liên quan đến dịch COVID-19, thậm chí là phạt tù lên đến 5 năm (như ở Nga), ở nước ta, các hình thức xử phạt cũng được áp dụng, kể cả là hình sự. 

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nước ta đang ở giai đoạn vô cùng quan trọng trong phòng, chống dịch để có kết quả là “thắng hay thua” ở “trận chiến” này. Đây chính là thời điểm hơn lúc nào hết cần sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự tin tưởng lẫn nhau giữa người dân và Chính phủ để đẩy lùi dịch COVID-19. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá: Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, người dân đi lại nhiều, vì thế nguồn lây nhiễm đa dạng, đòi hỏi có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây. Hơn bao giờ hết, ở thời điểm này, trách nhiệm cá nhân của mỗi người là rất cao. Mỗi cá nhân có ý thức phòng, chống dịch tốt thì cả gia đình giảm được nguy cơ lây nhiễm để cả xóm, cả khu dân cư an toàn, từ đó sẽ an toàn cho cả cộng đồng.

Từ ngày 10/3, việc khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam có hiệu lực, thay vì trước đó chỉ áp dụng đối với người nước ngoài hoặc trở về từ nước ngoài. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Trách nhiệm của mỗi người dân đối với phòng, chống dịch cũng sẽ được thể hiện khi thực hiện khai báo trung thực, đầy đủ các thông tin. 

Các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần rà soát lại tất cả các hướng dẫn, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để có các hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất giúp người dân nắm bắt về dịch, biết rõ những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch,… Phải sử dụng tất cả các phương tiện từ công nghệ thông tin cho đến áp phích, truyền thông đại chúng… sao cho mọi người dân được biết, được hướng dẫn trong mọi tình huống, từ nhà ra ngoài đường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chỗ đông người, vào nhà hàng, siêu thị, đi làm ở công sở, nhà máy. Đó cũng là một trong những nội dung được chỉ đạo từ Chính phủ nhằm bảo đảm mọi người dân cùng biết, có kiến thức, từ đó đồng lòng, sát cánh với chính quyền trong phòng, chống dịch có trách nhiệm để chúng ta cùng chiến thắng. 

ĐỨC MINH 

;
.