Xin bạn hãy ở nhà !

Thứ Sáu, 27/03/2020, 23:49 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với cả đất nước nói chung và của ngành y tế nói riêng. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế giữ vai trò quan trọng, phải có sự nỗ lực hơn nữa, sự quyết tâm hơn nữa, sự quyết liệt hơn nữa mới có thể khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm hiện nay.

Đây cũng là thời điểm rất quan trọng, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19. Chúng ta đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì cần phải quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn”.phải quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn”. Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân; có thể kéo dài, khó dự đoán thời gian kết thúc. Đất nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm.

Bước sang giai đoạn mới, trước sự tăng nhanh về số lượng bệnh nhân dương tính với COVID-19 và những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế phát động phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Theo đó, huy động toàn bộ lực lượng trong ngành y tế, y tế nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu… chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, toàn dân cũng được kêu gọi chủ động, chung tay chống dịch COVID-19.

Trong suốt những ngày qua, trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông đều nhấn mạnh thông điệp về việc cả nước, toàn dân cùng tham gia chống dịch, dù thiệt hại về kinh tế cũng phải chấp nhận để tạm ngưng (đóng cửa) toàn bộ các dịch vụ cộng đồng được coi là không cần thiết ở thời điểm này, có thể tụ tập đông người nhằm tránh lây nhiễm bệnh. Trong những ngày tới đây, chỉ những dịch vụ thiết yếu như kinh doanh thực phẩm, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh được mở cửa để phục vụ người dân. Mọi người dân được khuyến cáo 5 việc thiết yếu gồm: hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu ra ngoài thì luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với người tiếp xúc (tối thiểu 2m); thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh; khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày và giữ liên lạc với cán bộ y tế.

Ở thời điểm này, việc hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc ở nơi đông người được coi là biện pháp hữu hiệu để ngăn việc lây lan dịch COVID-19 khi nguồn lây đã được xác định là có trong cộng đồng. Việc ở nhà để “tự cách ly” không chỉ để bảo vệ chính cá nhân bạn, người thân của bạn mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng. Trên thực tế, ở một số nước, sở dĩ dịch bùng phát dữ dội chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 2-3 tuần từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên), một phần là do chủ quan của người dân, vẫn tụ tập, sinh hoạt ở những nơi đông người, không chịu cách ly ở nhà. Thậm chí, một số nước trong khu vực như Malaisia, Indonesia do một số sự kiện tập trung đông người, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần đã làm cho dịch bùng phát nhanh chóng.

Một số nước đã rút kinh nghiệm, tận dụng thời gian “vàng” trong phòng dịch ở giai đoạn này như Ấn Độ đã và đang triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc, mặc cho những thiệt hại kinh tế có thể diễn ra để phòng dịch COVID-19. Với lệnh này, mọi người dân phải ở nhà, chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới được ra khỏi nhà và khi buộc phải tiếp xúc thì giữ đúng khoảng cách ít nhất 2m. Trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh lực lượng cảnh sát cưỡng chế người dân tuân thủ lệnh giới nghiêm. “Đây là lệnh giới nghiêm. Chúng ta phải trả giá về mặt kinh tế, nhưng để cứu mọi thành viên trong gia đình. Đây là trách nhiệm của mọi người và là ưu tiên hàng đầu. Nếu 21 ngày tới không được bảo đảm thực thi, đất nước và gia đình các bạn sẽ thụt lùi mất 21 năm. Tôi nói điều này không phải với tư cách Thủ tướng, mà là một công dân như các bạn, một người cũng có gia đình”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo về việc không tụ tập đông người, đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết để chống dịch Covid-19 được áp dụng từ 28/3 đến hết 15/4. Đây là chỉ thị thứ 5 của Thủ tướng kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam.

Chỉ thị tiếp tục nhấn mạnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệp đối với ngành y tế. Với sự đồng lòng “chung sức, vững tâm vượt qua đại dịch”, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của toàn ngành y tế, của toàn xã hội, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và sớm ổn định cuộc sống.

Và để sớm đạt được điều này, xin bạn hãy ở nhà!

HOÀNG LÊ

;
.