Uống rượu bia có trách nhiệm!

Thứ Bảy, 16/05/2020, 07:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhà hàng, quán nhậu trong cả nước lần lượt mở cửa trở lại đón khách. Đây cũng là lúc các “thượng đế” đến quán xá tụ tập vui vẻ với bạn bè. Nhiều người vô tư uống rượu bia rồi chạy xe loạng choạng trên đường. Họ dường như không còn nhớ đến Nghị định 100 với mức phạt “khủng”. Cũng không nhớ nổi từ ngày 15/5 đến 14/6/2020, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội, trong đó xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn được đặt lên hàng đầu.

Không thể không nhắc đến một thống kê: Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (tăng 14.924 trường hợp so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2019), trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Về TNGT cả nước xảy ra 113 vụ, làm chết 79 người, bị thương 79 người. Phần lớn nguyên nhân đều liên quan đến rượu bia... Theo nhận định của Ủy ban ATGT quốc gia, số vụ tai nạn cũng như số người chết là nghiêm trọng và sở dĩ như vậy là vì không ít người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng lực lượng chức năng lo tập trung phòng chống dịch bệnh, giảm tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý tranh thủ nhậu thả ga rồi lái xe trong trạng thái chếnh choáng hơi men. Nói khác đi, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, Nghị định 100 dần bị quên lãng. Và hậu giãn cách xã hội, nhiều người lại tìm đến nhà hàng, quán nhậu uống rượu bia.

“Uống rượu bia có trách nhiệm!”- Câu khẩu hiệu ngắn dành cho những người lái xe mà Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra cách đây mấy năm vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong thời điểm hiện nay khi mà hệ luỵ do lạm dụng rượu bia mang lại không chỉ là TNGT chưa giảm mà còn nhiều vấn nạn khác cho xã hội như đánh nhau, bệnh tật, lãng phí, đói nghèo...

Nói đến chuyện “bia bọt” ở nước ta, không ai là không nhớ đến những con số và “danh hiệu” do các phương tiện truyền thông đăng tải: Năm 2018, người Việt tiêu thụ 4,2 tỷ lít bia trong, mức tiêu thụ này đã tăng 5% so với sản lượng thực tế 4 tỷ lít năm 2017. Và theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tốc độ tăng trưởng thị trường bia Việt Nam hằng năm tăng 5,6% trong giai đoạn 2019-2023. Và người Việt sẽ uống bia lên con số 9,6 tỉ USD vào năm 2023.

Chẳng có gì đáng tự hào khi là “cường quốc” về uống bia rượu khi mỗi năm “danh hiệu” này đã lấy đi của người Việt nhiều máu và nước mắt do bệnh tật và TNGT. Đáng buồn thay, việc uống rượu bia dần biến thành tệ nhậu nhẹt tới bến vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, chưa có điểm dừng!

Năm 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai “Năm ATGT 2020” với chủ đề “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, với mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2019. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, mọi công dân phải tự điều chỉnh “văn hóa bia rượu” để từ đó “uống có trách nhiệm” hơn với bản thân và cộng đồng. Tất nhiên, CSGT vẫn là lực lượng đi đầu, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến giao thông theo tinh thần Nghị định 100, không để việc kiểm soát và xử lý bị gián đoạn, chùng xuống.

Và cũng đã đến lúc cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia: kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, hạn chế từ sản xuất, kinh doanh và kiểm soát về chất lượng của các loại bia rượu; phải có quy định rõ ràng về đối tượng được sử dụng bia rượu, bán ở đâu, vào thời điểm nào, bán như thế nào và mức độ bán ra sao. Đánh thuế cao hơn nữa đối với mặt hàng rượu bia là biện pháp tốt nhất vào lúc này để vừa thu ngân sách vừa ngăn chặn tình trạng lạm dụng và những hệ lụy kèm theo.

TRƯƠNG TÙNG

;
.