Dựa vào nhau cùng phát triển du lịch

Thứ Hai, 29/06/2020, 22:23 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, BR-VT và 5 tỉnh trong vùng Đông Nam bộ (ĐNB) gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng ĐNB giai đoạn 2020-2025. Nội dung liên kết tập trung vào công tác quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch...

Vùng ĐNB với nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề và ẩm thực phong phú là những lợi thế để nhiều sản phẩm du lịch của vùng đã được hình thành như: Hành trình xuyên Á, vẻ đẹp của cung đường biên giới, trải nghiệm văn hóa đa sắc màu. Ngoài ra, khu vực này cũng được đánh giá có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Chỉ tính riêng năm 2019, vùng ĐNB đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD.

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt gần 1,7 triệu người, giảm 65% so với cùng kỳ. Các DN du lịch vẫn đang tìm mọi cách duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên. Vì vậy muốn vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay các địa phương vùng ĐNB cần liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch và công tác quảng bá, truyền thông.

Theo định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì vùng ĐNB được định hướng khai thác các sản phẩm đặc trưng như: Du lịch kết hợp hội nghị - hội thảo; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu; du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm. Vì vậy, trong sự liên kết vùng phát triển du lịch các địa phương cũng cần chú trọng vào nội dung.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao và có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên phát triển hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác như hàng không, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực… Các địa phương phát huy được tiềm năng, thế mạnh và phân công khai thác nguồn lực một cách hợp lý; sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch; doanh nghiệp, nhân dân các địa phương có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Thời gian qua, thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho ngành du lịch là rất lớn nhất là ở các lĩnh vực khách đến lưu trú, ăn uống, dịch vụ vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí. Vì vậy, trong thời điểm này, mối liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐNB để cùng nhau phát triển du lịch lại càng có ý nghĩa và thể hiện tính chủ động, quyết tâm của các địa phương tìm giải pháp để vượt qua. Qua liên kết, các địa phương có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh và phân công khai thác nguồn lực một cách hợp lý; sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

PHƯƠNG ANH

;
.