Ngăn hệ lụy từ game online

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:09 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước cái chết của một em bé 5 tuổi ở Nghệ An. Nghi phạm là H., HS lớp 11, do thực hiện theo game online. H. khai đưa em bé đi với động cơ “giấu” bé rồi sau đó sẽ đưa về như mình là người có công tìm ra em. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, H. sợ không đưa về, dẫn đến em bị chết vì đói và khát.

Lời khai của nghi phạm khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình trước tác hại của game online. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ án mạng, ẩu đả ở lứa tuổi vị thành niên do có liên quan đến game online khi người phạm tội bắt chước theo game, do mâu thuẫn khi chơi game hoặc trộm cướp để có tiền chơi game…

Những hành vi phạm tội liên quan đến game online chỉ là phần nổi. Thực trạng đáng báo động hơn cả là nhiều trẻ em đã bị nghiện game online dẫn đến bỏ bê việc học hành. Game online không chỉ len lỏi ở mọi ngóc ngách của thành thị mà đã có mặt tại nhiều vùng nông thôn, đã ảnh hưởng đến nhiều gia đình, làm thay đổi cả tương lai của nhiều người.

Bên bàn cà phê buổi sáng, anh bạn tôi tỏ vẻ buồn chán khi nói về cậu con trai học lớp 9 nghiện game. Theo anh, từ năm lớp 7 trở về trước, cháu luôn ngoan ngoãn, nghe lời ba mẹ, kết quả học tập luôn đạt khá, giỏi. Cách nay 2 năm, cháu xin ba mẹ cho mua chiếc smartphone bằng tiền tiết kiệm của mình với lý do phục vụ việc học hành và liên lạc. Thấy cháu nói có lý, vợ chồng anh đã đồng ý. “Từ khi có smartphone, cháu dần trở nên nghiện game, kết quả học tập sa sút. Nhiều lần, tôi đã tạm giữ điện thoại nhưng rồi phải trả lại vì sợ cháu trốn học ra tiệm chơi game, trong khi hai vợ chồng cùng bận đi làm, không thể kiểm soát hết được”, anh than.

Tình cảnh của anh bạn tôi có lẽ cũng là tình cảnh của nhiều gia đình hiện nay. Với sự phổ biến của mạng Internet và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu như gia đình nào cũng có vài chiếc smartphone. Nhiều gia đình sắm smartphone cho con để tiện liên lạc, học tập. Nhiều phụ huynh viện lý do bận làm ăn nên để con tự do làm bạn với smartphone, không có sự kiểm soát về giờ giấc cũng như mục đích sử dụng. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trẻ nghiện game, vượt tầm kiểm soát của ba mẹ.

Trong nghiên cứu về vấn nạn nghiện game ở thanh thiếu niên Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo Dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: phần lớn HS đều chơi các thể loại game có nội dung và tính chất không phù hợp với độ tuổi thực tế của người chơi. Loại game dành cho người từ 13 tuổi và 17 tuổi có tính bạo lực và yếu tố tình dục ở mức độ nhất định được các em chơi nhiều hơn. “Có những vụ án được hung thủ lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên game đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Những người phạm tội có ảnh hưởng từ game đều rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật. Lâu dần, người nghiện game có thể mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật”, PGS.TS Trần Thành Nam cảnh báo.

Để hạn chế tác hại của game online đối với trẻ, cần sự hợp tác tích cực từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Phụ huynh cần kiểm soát giờ giấc sinh hoạt, học tập, vui chơi của con em mình; dành thời gian tìm hiểu xem trẻ chơi loại game gì, từ đó gợi ý, định hướng cho trẻ hướng đến những trò chơi có ích. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể “kéo” trẻ ra khỏi chiếc smartphone bằng cách giao làm việc nhà, cùng nhau đi dạo, đi uống cà phê, quy định về thời gian sử dụng smartphone… Nhà trường, Đoàn, Hội tổ chức các tiết học, buổi nói chuyện chuyên đề về game online và tác hại của nó, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sân chơi lành mạnh dành cho trẻ. Nội dung các hoạt động này cần nhẹ nhàng, lồng ghép mục đích tuyên truyền sao cho đi vào suy nghĩ của trẻ một cách tự nhiên chứ không phải mang tính ép buộc, bài xích, từ đó trẻ có thêm kiến thức về tác hại của game online và dẫn đến tự giác thay đổi nhận thức, hành vi, hướng đến lối sống tích cực thì mới có hiệu quả lâu dài.

NGUYỄN ĐỨC

;
.