Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ

Thứ Sáu, 28/08/2020, 20:26 [GMT+7]
In bài này
.

Thuốc lá điện tử (TLĐT), vape, shisha, thuốc lá làm nóng … được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới, với các thiết kế mẫu mã đa dạng, bắt mắt, có hàng trăm loại hương liệu kèm theo những lời quảng cáo hấp dẫn, đang thực sự thu hút sự quan tâm, thử nghiệm và như một trào lưu thời thượng “tấn công” vào giới trẻ ở nước ta hiện nay.

Số liệu thăm dò của Tổ chức Y tế thế giới(WHO)tại Việt Nam cho biết, có khoảng 2,6% trong số người hút thuốc lá ở nước ta đã sử dụng thuốc lá thế hệ mới và TLĐT. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8% và có dấu hiệu cho thấy những con số này đang tăng lên một cách đáng kể, nhất là ở giới trẻ. Nguy hại hơn, để bán được hàng, người bán luôn quảng cáo TLĐT là sự thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống, chúng chứa ít nicotine hơn nên không gây nghiện và không độc hại. Đặc biệt, theo cách quảng cáo đường mật thì TLĐT có mùi hương dễ chịu, miệng không hôi, răng không đổi màu, da không bị khô, không ám mùi làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Chính việc quảng cáo gây hiểu nhầm như vậy nên vài năm gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá thế hệ mới nói chung và TLĐT nói riêng ngày càng gia tăng. Mặt khác, do giá bán giảm gần một nửa so với trước và việc tìm mua cũng khá dễ dàng nên nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, xem TLĐT như một món hàng công nghệ thiết kế thời trang mà người sành điệu cần mua sắm, sử dụng để chứng tỏ bản thân. TLĐT hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ, thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, hợp xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống và hành vi của giới trẻ.

Các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới cũng như của Việt Nam xác định, thuốc lá thế hệ mới và TLĐT gây tác hại đối với sức khỏe con người không khác gì thuốc lá truyền thống. Điều nguy hại hơn nằm ở chỗ người sử dụng TLĐT có thể tự phối trộn được hương liệu và hàm lượng nicotine theo sở thích, làm cho vị giác luôn thay đổi nên tỷ lệ nghiện TLĐT tăng lên một cách nhanh chóng. Lợi dụng kẻ hở này, nhiều đối tượng có thể thay đổi hương liệu, tăng hàm lượng nicotine, thậm chí pha trộn cả heroin trong shisha hay TLĐT bán cho người sử dụng để trục lợi. Điều này sẽ gây tác hại cho sức khỏe, kinh tế, tương lai nòi giống Việt Nam và trật tự, an toàn xã hội.

Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy, cả thuốc lá thế hệ mới và thuốc lá điện tử đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy, có khói, có hương tỏa ra môi trường, tác động trực tiếp đến người sử dụng và gây hại đối với người xung quanh. Theo Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử đều có chứa nicotine – chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch, đột quỵ và tiêu hóa. Sử dụng TLĐT chứa nicotine quá liều sẽ gây ra ngộ độc, nghiện hương liệu TLĐT pha trộn với nicotine hoặc heroin càng gây ra nhiều nguy hại hơn trong cuộc sống. Tác hại của thuốc lá thế hệ mới tại Mỹ là một minh chứng cụ thể, nước này ghi nhận đã có hơn 2.000 trường hợp chuyển bệnh nặng do nghiện TLĐT, trong đó có 68 ca tử vong.

Hiện nay, trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm TLĐT; 56 quốc gia cho phép bán, nhưng có các quy định, hạn chế về việc bán TLĐT; 30 quốc gia quy định hàm lượng nicotine và hàm lượng các chất khác (hương liệu) trong TLĐT. Ở Việt Nam, sau một thời gian triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được WHOghi nhận và đánh giá cao, tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm xuống 2% ở nam giới, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm 12-15%. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn phải đối mặt với thực tế là số người hút thuốc lá ở các khu vực cấm và ở nơi công cộng còn cao. Mặc dù, nước ta hiện chưa có thị trường TLĐT, chủ yếu là bán buôn trôi nổi qua hàng xách tay, qua internet; do đó, sẽ rất khả thi khi có những cảnh báo mang tính chất xã hội, ngăn chặn sự bùng nổ trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Bởi nếu không, để đến khi giới trẻ đã nghiện thì cấm sẽ không còn tác dụng.

HOÀNG LÊ

 
;
.