Bảo vệ trẻ khỏi bạo hành

Thứ Hai, 07/09/2020, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong hơn một tuần qua, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng, lo ngại trước các vụ bạo lực vô cùng tàn bạo đối với trẻ em. Điển hình mới đây Công an tỉnh Bắc Ninh đã giải cứu thành công một bé gái 6 tuổi bị bố đẻ và người tình đánh gãy tay phải, bầm hết cơ thể. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 5/9, bà L.T.H (78 tuổi, ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng) nghe thấy tiếng gào thét, cầu cứu của cháu nội là Đặng Ngọc A. (6 tuổi) ở tại nhà con trai bà là Đặng Trung Kiên (47 tuổi) nên liền gọi điện báo cơ quan công an. 

Cũng trong ngày 5/9, Công an huyện Xuyên Mộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giạm 4 tháng đối với Đào Văn Bé (24 tuổi, cậu của các nạn nhân) để điều tra hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Ngược đãi hoặc hành hạ cháu”. Đồng thời, cơ quan công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Thị Gái (38 tuổi, là mẹ của các nạn nhân) về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ con ruột mình”. 

Đây không phải là những vụ bạo hành trẻ em đầu tiên mà trước đó cũng đã có nhiều vụ bạo hành trẻ em bị dư luận lên án và phanh phui. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động đến toàn xã hội về vấn nạn bạo hành trẻ em.

  Trong những năm qua, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, với rất nhiều điều khoản bổ sung mang tính nhân văn, nhằm mục tiêu bảo vệ cuộc sống an toàn, thân thiện và hạnh phúc cho trẻ em với nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”. Bên cạnh đó, một số Luật khác cũng có rất nhiều điều khoản nhằm bảo vệ Quyền của trẻ em. 

Tuy nhiên có thể thấy rằng, hiện nay vẫn còn có các vụ bạo hành trẻ em xảy ra do công tác phòng, chống bạo hành trẻ em vẫn còn tồn tại như: thiếu đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, hay các cơ quan tư pháp chưa thực sự kiên quyết và mạnh tay với những kẻ bạo hành trẻ em…Do đó để hạn chế tình trạng bạo hành đối với trẻ em, tạo không gian sống, học tập, vui chơi an toàn cho trẻ, hơn lúc nào hết cần tăng cường vai trò giám sát, kiểm soát xã hội.

Ngoài ra cần nâng cao trách nhiệm và năng lực hoạt động của hệ thống cán bộ làm công tác trẻ em, liên kết chặt chẽ các cơ quan thực thi pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh, người chăm sóc trẻ những kiến thức, kỹ năng và luật pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em. Cùng đó, các chiến dịch truyền thông phòng, chống trừng phạt thân thể, tinh thần trẻ em phải được lan tỏa đến từng xã, phường để người dân tiếp nhận và hành động. 

PHÚC MINH

 
;
.