Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho giới trẻ

Thứ Sáu, 18/09/2020, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Rất nhanh, cư dân mạng trong cả nước đều biết và phẫn nộ trước vụ việc nhân viên quán cà phê Heaven (1Bis, Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu) vứt nhiều bao rác xuống biển với thái độ thản nhiên. 

Cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu đã nhanh chóng vào cuộc và có ngay biện pháp không khoan nhượng: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của quán, đồng thời xử phạt chủ quán và nhân viên quán cà phê Heaven tổng số tiền 35 triệu đồng. 

Những kẻ ứng xử thiếu tử tế với biển đã bị xử lý. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Dư luận xã hội - nhất là các chuyên gia về giáo dục, môi trường đều cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giáo dục để có một thế hệ công dân ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, mà muốn được như vậy thì phải đưa giáo dục môi trường (GDMT) vào trường học sâu hơn. 

Khách quan mà nói, từ năm 1997 ngành giáo dục đã quyết định đưa môn GDMT vào trường học bằng việc tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học cấp THCS và THPT. Nguyên tắc tích hợp là lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào bài học một cách tự nhiên, phù hợp với nội dung, làm cho bài học sinh động, gắn với thực tế hơn và không làm quá tải bài học. 

Thế nhưng từ ngày ấy đến nay, các bài học GDMT vẫn bị xem là những tiết học không quan trọng, ít khi có trong các bài kiểm tra thi cử. Sách giáo khoa, nhất là các môn Sinh học, Địa lý, Hóa học, Vật lý hầu như tách biệt giữa giáo dục chuyên môn với GDMT. Việc giáo dục bảo vệ môi trường đôi lúc còn mang tính chung chung, chưa thực hiện tốt phương châm “học đi đôi với hành”; Việc gắn kết giữa lý thuyết tiếp thu từ bài học với thực tế cuộc sống học sinh còn một khoảng khá xa. “Khi “cây” GDMT chậm được gieo trồng hoặc gieo trồng không đúng cách thì việc không có hoa trái - những học sinh tích cực tham gia bảo vệ môi trường cũng là điều dễ hiểu”, Hiệu trưởng một trường THPT ở TP. Bà Rịa phát biểu hình tượng. 

Sự lơ là, bê trễ trong việc đưa môn GDMT vào nhà trường phổ thông có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu quan tâm và nhận thức đơn giản về vấn đề của lãnh đạo các sở và trường học. 

Để có những công dân ứng xử tử tế với môi trường, ngành giáo dục phải xây dựng nhiều tiết học “sống xanh, học xanh” mà sinh động thiết thực nhất là cho các em được tham gia các chương trình ngoại khóa, các buổi thu dọn rác ở địa phương, xung quanh khu vực sống. Các thầy cô giáo sẽ phải dày công suy nghĩ, thiết kế những trò chơi tương tác thực tế, hướng dẫn cách thức và hành vi góp phần bảo vệ môi trường sống phù hợp với từng lứa tuổi học sinh; Qua đó “thuyết phục” các em hiểu rằng chất lượng môi trường và cuộc sống bị giảm sút do sự phát triển thiếu bền vững và do các loại rác do con người thải ra. 

Hoạt động phối hợp của Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh BR-VT với Công ty Coca-Cola (TP. Hồ Chí Minh) qua chương trình “Làm sạch bãi biển quốc tế” được tổ chức và duy trì tại TP. Vũng Tàu nhiều năm trước là một minh chứng sinh động. Chương trình đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng người dân Vũng Tàu về hình ảnh hàng trăm tình nguyện viên là học sinh, sinh viên địa phương cùng nhân viên Công ty Coca-Cola tham gia làm sạch 3km bờ biển Bãi Sau mỗi năm. Điều đáng mừng là sau khi tham gia chương trình, rất nhiều học sinh, sinh viên “tiết lộ” bản thân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh trường, lớp và môi trường. 

Với mục tiêu xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch văn minh, xanh, sạch, đẹp; các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân TP. Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kiểm soát, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Đó cũng là một bài học sinh động có thể lấy để minh chứng, nâng cao nhận thức cho học sinh về bảo vệ môi trường, là phương pháp GDMT hiệu quả trong một môi trường cụ thể. 

Nâng cao nhận thức và hiểu biết cho học sinh về tầm quan trọng của môi trường chính là cách để hình thành nên một thế hệ công dân ý thức, biết ứng xử với môi trường một cách đúng đắn. Đến khi ấy, câu chuyện nhân viên quán cà phê Heaven vứt rác thải xuống biển sẽ chỉ được nhắc lại như là một kỷ niệm buồn, một hành vi ứng xử thiếu tử tế với môi trường…

HẢI LĂNG

 
;
.